Sản phẩm nông nghiệp Bao giờ hết “bí” chuyện đầu ra?

Thứ sáu - 28/10/2016 22:00 31 0

Sản phẩm nông nghiệp Bao giờ hết “bí” chuyện đầu ra?

(BTNO) - Những địa phương có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân không nhiều, số lượng tiêu thụ sản phẩm cũng không cao so với tổng sản lượng làm ra. Cho nên nhiều người cho rằng: mô hình liên kết 4 nhà chỉ mới thực hiện được có... 3 rưỡi! 

Nông dân đến tìm hiểu mô hình trồng lúa theo phương pháp hữu cơ tại ruộng của ông Nhành.

Mô hình  liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) được kỳ vọng sẽ giúp người nông dân tiếp cận  với những phương pháp sản xuất tiên tiến, làm ra sản phẩm có chất lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thế nhưng, trong thực tế, hiện mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, nông dân với doanh nghiệp vẫn còn nhiều vấn đề chưa như mong muốn.

Những địa phương có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân không nhiều, số lượng tiêu thụ sản phẩm cũng không cao so với tổng sản lượng làm ra. Cho nên nhiều người cho rằng: mô hình liên kết 4 nhà chỉ mới thực hiện được có... 3 rưỡi!

Lợi ích đã nhìn thấy

Ông Nguyễn Văn Nhành- Giám đốc Hợp tác xã Giống cây trồng, dịch vụ nông nghiệp xã Bàu Đồn (gọi tắt là HTX Bàu Đồn), huyện Gò Dầu cho biết, mùa vụ Hè Thu vừa qua, HTX đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúa với Nhà máy gạo xuất khẩu Tây Ninh được khoảng 100 ha. Sau khi thu hoạch, các xã viên và người trồng lúa ở địa phương rất phấn khởi vì giá thu mua của công ty luôn cao hơn so với giá thương lái từ 150 - 200 đồng/kg.

Vụ Đông Xuân vừa rồi, HTX cũng ký hợp đồng sản xuất lúa chất lượng cao với một doanh nghiệp. Còn mùa vụ hiện tại (đang chuẩn bị thu hoạch), HTX và Nhà máy gạo xuất khẩu Tây Ninh ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trên diện tích 200 ha. Tuy nhiên, theo ông Nhành, HTX chỉ có 28 xã viên với tổng diện tích 30 ha. Do đó, khi ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, ông đã phải vận động các hộ nông dân không phải là xã viên tham gia. Qua vụ mùa đầu tiên, bà con nông dân thấy việc bao tiêu sản phẩm của các doanh nghiệp mang lại cho họ nhiều lợi ích nên nhiều người sẵn sàng vào cuộc cùng HTX, tham gia sản xuất lúa theo đặt hàng của các doanh nghiệp. Ngoài việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúa, HTX còn ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm bắp mùa vụ vừa qua với diện tích 100 ha.

Việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngoài lợi ích là sản phẩm được thu mua với giá cao hơn giá thị trường, người trồng lúa còn được doanh nghiệp cho mượn giống (sau khi thu hoạch sẽ trừ nợ) để sản xuất theo đơn đặt hàng. Doanh nghiệp cũng thường xuyên cử người đến cánh đồng để hướng dẫn nông dân làm đúng quy trình sản xuất. Vì thế khi sản xuất lúa theo đặt hàng của doanh nghiệp, người trồng lúa luôn cảm thấy an tâm về chất lượng và đầu ra sản phẩm, đây là điều mà bất cứ nông dân nào cũng mong muốn.

Nhiều năm qua, HTX Bàu Đồn còn ký hợp đồng với công ty phân bón để phân phối phân bón cho nông dân. Theo đó, đầu vụ bà con nông dân đến HTX lấy phân bón và giống, cuối vụ sau khi thu hoạch sẽ trả tiền cho HTX. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của ngành Khuyến nông, Liên minh HTX, bước đầu HTX Bàu Đồn đã hoạt động có hiệu quả và có lãi. Ông Nhành cho biết, diện tích trồng lúa ở xã Bàu Đồn có 905 ha nhưng số diện tích để đưa vào hợp đồng bao tiêu sản phẩm mới chỉ chiếm một  phần. Tiếc rằng, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm có giới hạn nên hiện nay, phần lớn việc tiêu thụ sản phẩm lúa của bà con nông dân vẫn còn phải phụ thuộc vào thương lái.

Để từng bước nâng cao chất lượng cũng như giá trị sản phẩm, HTX Bàu Đồn vừa ký hợp đồng với một doanh nghiệp để sản xuất 20 ha lúa theo tiêu chuẩn VietGAP trong vụ Đông Xuân sắp tới. Theo đó, doanh nghiệp này sẽ cung cấp giống lúa cho HTX, theo dõi hướng dẫn quy trình sản xuất lúa và bao tiêu sản phẩm làm ra. Sản xuất lúa theo quy trình VietGAP phải bỏ công sức nhiều hơn trong quá trình chăm sóc và phải tuân thủ theo quy trình, nhưng bù lại giá thành sản phẩm sẽ cao hơn, đồng nghĩa mang lại lợi nhuận nhiều hơn cho nông dân. Hiện ông Nhành đang tự mình trồng thí điểm lúa theo phương pháp hữu cơ, vì lúa sản xuất theo phương pháp hữu cơ có giá thành còn cao hơn cả VietGAP.

Ông muốn là người đi tiên phong trong lĩnh vực này, vì biết đa số bà con nông dân hãy còn xa lạ với sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Ông Nhành dự tính sau khi làm thí điểm có hiệu quả, ông sẽ tìm kiếm hợp đồng bao tiêu sản phẩm để HTX thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ. Thời gian qua, việc thực hiện bao tiêu sản phẩm giữa HTX và các doanh nghiệp được thực hiện thuận lợi, và theo nhận định của ông Nhành là do các bên thấy được lợi ích khi tham gia mô hình.

Nhưng vẫn nan giải chuyện đầu ra

Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Dầu, thấy được hiệu quả từ sự liên kết giữa nông dân xã Bàu Đồn và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, các xã còn lại trong huyện cũng muốn thực hiện mô hình như vậy, nhưng lại chưa tìm được doanh nghiệp nào để ký hợp đồng. Bởi công suất dự trữ lúa gạo của doanh nghiệp chỉ có hạn nên khó có thể bao tiêu sản phẩm cho cả huyện. Thời gian qua, các ngành chức năng, UBND và Phòng Nông nghiệp huyện Gò Dầu cũng đã tìm cách hỗ trợ cho nông dân, nhất là tìm kiếm doanh nghiệp bao tiêu đầu ra sản phẩm, với hy vọng không chỉ là bao tiêu cho sản phẩm lúa mà còn cho nhiều loại nông sản khác.

Anh Đức- Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Suối Cao B, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu (được thành lập vào cuối tháng 8 vừa qua) cho biết, thời gian qua, các tổ viên đã tiến hành trồng rau theo tiêu chuẩn rau an toàn, nhưng sản phẩm sau khi thu hoạch vẫn phải bán cho thương lái. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện có giới thiệu doanh nghiệp đến đặt hàng, bao tiêu sản phẩm của Tổ. Tuy nhiên, những điều kiện phải tuân thủ trong quy trình sản xuất mà doanh nghiệp đưa ra khá ngặt nghèo nên Tổ hợp tác không thể đáp ứng.

Qua tìm hiểu được biết, bà con nông dân- nhất là nông dân sản xuất lúa đã được các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ khá nhiều. Ở một số địa phương, Hội Nông dân ký hợp đồng với các công ty để cung cấp phân bón, giống cho nông dân ngay từ đầu vụ, chờ sau khi thu hoạch, nông dân mới trả tiền. Điều này tạo điều kiện cho bà con nông dân được thuận lợi khi bước vào quá trình sản xuất. Trong sản xuất, nông dân cũng được ngành nông nghiệp quan tâm hướng dẫn về kỹ thuật, về phòng trừ sâu bệnh... Thế nhưng, việc tìm doanh nghiệp để ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm hiện vẫn còn là vấn đề nan giải đối với nhiều địa phương.

THIÊN TÂM

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay1,181
  • Tháng hiện tại8,107
  • Tổng lượt truy cập348,776
hộp thư điện tử
Lịch công tác
cổng thông tin điện tử Tây Ninh
cải cách hành chính
công báo
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây