Ước mơ mai này rau sạch…

Thứ bảy - 21/05/2016 16:00 31 0

Ước mơ mai này rau sạch…

​​​(BTNO) - Rau xanh là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày của mỗi gia đình. Hơn lúc nào hết, nhu cầu về rau xanh bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đang là một nhu cầu bức thiết, thậm chí có thể nói là nóng bỏng. 

 

 

Tại một cửa hàng thực phẩm an toàn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn chỉnh Đề án “Sản xuất, sơ chế và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020”. Nếu Đề án được thực hiện thành công, người tiêu dùng tỉnh nhà sẽ được cung cấp nguồn rau an toàn, dồi dào, bảo đảm chất lượng.

Sản xuất, bảo quản, cung ứng kiểu... nghiệp dư

Tại Tây Ninh, nhiều nông dân trồng rau có truyền thống canh tác lâu đời, có kinh nghiệm trong sản xuất đã biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng cây rau, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Mặc dù vậy, vẫn còn một số không ít người do chạy theo lợi nhuận nên chưa thực hiện đúng quy trình sản xuất rau an toàn. Vì thế chất lượng rau họ làm ra chưa bảo đảm, đặc biệt là việc tồn đọng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên cây rau, gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người tiêu dùng. Việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực sản xuất còn gặp nhiều trở ngại như: chưa có chế tài xử lý cụ thể cho từng trường hợp, đời sống người sản xuất còn gặp nhiều khó khăn.

Diện tích gieo trồng rau trên địa bàn tỉnh Tây Ninh trung bình 19.000 – 20.000 hecta/năm. Sản phẩm làm ra ngoài việc phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh còn cung cấp cho các tỉnh lân cận như Bình Dương, Bình Phước, thành phố Hồ Chí Minh. Công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu sản xuất, phân phối đến tiêu dùng chưa được chặt chẽ.

Ngày 30.12.2011, UBND tỉnh Tây Ninh đã ra Quyết định số 2745/QĐ-UBND (Quyết định 2745) phê duyệt “Quy hoạch sản xuất, phát triển và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020” nhằm đề ra những giải pháp quản lý đồng bộ trên tất cả các khâu sản xuất, lưu thông và tiêu thụ rau an toàn. Tuy nhiên đến nay, diện tích sản xuất rau được chứng nhận VietGAP còn thấp so với mục tiêu mà quy hoạch đặt ra. Việc tổ chức sản xuất còn manh mún, khó kiểm soát vấn đề thực hiện quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm; chưa gắn kết giữa sản xuất với chứng nhận sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm. Một số chính sách về đầu tư và quản lý sản xuất rau an toàn chưa đồng bộ, chưa chú ý khâu tổ chức sản xuất và tiêu thụ. Mạng lưới kinh doanh, tiêu thụ rau an toàn đã được triển khai nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng; giá bán rau sản xuất theo VietGAP chưa có sự khác biệt so với rau sản xuất theo phương pháp truyền thống nên chưa kích thích được nông dân tham gia mô hình VietGAP. Lợi nhuận của người trồng rau không ổn định do bị tư thương ép giá; khâu sản xuất chưa gắn với tiêu thụ nên thường xuyên gặp cảnh “được mùa – mất giá”.

Giai đoạn 2010– 2015, diện tích sản xuất rau hằng năm của cả tỉnh khoảng 19.000 – 20.000 hecta nhưng phân bố không đều tại các địa phương. Các huyện Trảng Bàng, Bến Cầu, Dương Minh Châu có diện tích sản xuất rau lớn nhất. Những nơi có diện tích thấp nhất là Hoà Thành, Tân Châu và thành phố Tây Ninh. Trong giai đoạn 2013-2015, diện tích sản xuất rau cả tỉnh tương đối ổn định, riêng các huyện Bến Cầu, Trảng Bàng diện tích rau sụt giảm trong khi ở huyện Dương Minh Châu lại tăng. Năng suất rau bình quân 15 tấn/hecta, sản lượng rau trên địa bàn Tây Ninh ước đạt 285.000 – 300.000 tấn/năm. Chủng loại rau trên địa bàn tỉnh rất phong phú và đa dạng, trong đó có một số khu vực chuyên canh một số nhóm rau. Các loại rau cải, rau ăn lá, rau gia vị tập trung tại các xã Thái Bình, Trí Bình, thị trấn Châu Thành (huyện Châu Thành), Gia Bình, Gia Lộc (huyện Trảng Bàng). Cây cà tím, ớt được phân bố tại các xã Long Khánh, Long Giang (huyện Bến Cầu), Ninh Điền, Long Vĩnh (huyện Châu Thành), Lộc Hưng (huyện Trảng Bàng). Các loại rau như hành lá, cải bông được trồng nhiều tại các địa phương như Trường Tây, Long Thành Nam, Long Thành Bắc (huyện Hoà Thành), Cẩm Giang (huyện Gò Dầu), Tiên Thuận (huyện Bến Cầu).

Theo cơ quan xây dựng Đề án, việc tiêu thụ sản phẩm rau của người nông dân còn nhiều bất cập do diện tích sản xuất phân tán, nhỏ lẻ; việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Thói quen người trồng rau sau khi thu hoạch sản phẩm thường bán cho thương lái tại ruộng với hình thức trả sau, giá do thương lái xác định sau khi đã trừ hết các chi phí phát sinh và phần lợi nhuận. Đây là một thiệt thòi rất lớn cho người nông dân. Ngoài ra, khi nguồn cung sản phẩm rau trên thị trường dồi dào thì tình trạng nông dân bị thương lái ép giá thường xuyên xảy ra, nhất là ở các khu vực không thuận tiện về giao thông. Điều này cũng là nỗi bức xúc của người nông dân nói chung và nông dân trồng rau nói riêng. Nhiều nông dân chưa tiếp cận được thông tin về nhu cầu của thị trường nên không có biện pháp tổ chức sản xuất hợp lý. Hiện nay, việc kinh doanh tiêu thụ rau trên địa bàn được thông qua các kênh phổ biến sau: Kênh 1, nông hộ trồng rau- thương lái mua gom- chợ đầu mối hoặc chủ vựa thu mua- nhà hàng, chợ địa phương. Kênh 2, nông hộ trồng rau- thương lái mua gom- chợ đầu mối hoặc chủ vựa thu mua- chuyển đi TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông. Kênh 3, nông hộ trồng rau- thương lái mua gom- chợ đầu mối hoặc chủ vựa thu mua- tư thương bán rong.

Việc phân phối sản phẩm qua nhiều khâu trung gian đã làm cho giá thành sản phẩm tăng lên nên người tiêu dùng cũng chịu nhiều thiệt thòi. Mặt hàng rau có thời gian lưu thông ngắn, cần phải được bảo quản trong môi trường nhiệt độ thích hợp, tuy nhiên hầu hết các điểm kinh doanh rau trên địa bàn Tây Ninh chưa sử dụng thiết bị chuyên dùng cho khâu này nên chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng không bảo đảm. Hơn nữa, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại một số điểm kinh doanh rau cũng chưa đạt yêu cầu: dụng cụ đựng rau bị nhiễm bẩn, lẫn lộn giữa rau và các loại thịt cá tươi sống, hàng hoá để trực tiếp trên mặt đất, nguồn gốc rau không rõ ràng, không có cơ sở để truy xuất nguồn gốc nếu có ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Bao giờ... trồng rau công nghệ cao?

Đánh giá chung về kết quả 5 năm thực hiện Quyết định 2745, theo nhìn nhận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngoài những kết quả đạt được, các mặt hạn chế tồn tại cũng còn nhiều. Sản xuất rau chưa đúng theo quy hoạch; quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có các vùng chuyên rau tập trung lớn (trong khi diện tích có thể sản xuất rau trên địa bàn theo quy hoạch là rất lớn). Rau tươi thường phải sử dụng trong ngày nhưng hiện chưa có cơ sở sơ chế, đóng gói để đáp ứng yêu cầu của sản xuất hàng hoá, dẫn đến giá trị sản phẩm rau thấp. Sản xuất, kinh doanh rau dễ gặp rủi ro, thiếu mạng lưới kinh doanh rau an toàn; sản lượng tiêu thụ qua hệ thống cửa hàng rau an toàn còn thấp. Còn ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và kinh doanh rau. Thật ra cũng đã có một số doanh nghiệp tham gia nhưng quy mô nhỏ và thiếu bền vững. Hoạt động xúc tiến thương mại cho lĩnh vực quảng bá rau an toàn còn hạn chế nên sản xuất gặp nhiều khó khăn. Công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này cũng còn những điều bất cập, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sản xuất chân chính và lòng tin của người tiêu dùng. Trong thực tế chưa hình thành mối liên kết giữa sản xuất và kinh doanh rau an toàn, nên việc sản xuất rau an toàn chưa được mở rộng, phát triển. Do nhận thức hạn chế, một số hộ nông dân chưa tuân thủ quy trình sản xuất rau an toàn, chưa chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Trang thiết bị của ngành chức năng phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng rau còn thiếu. Việc quản lý chỉ dừng ở mức chứng nhận vùng, cơ sở đủ điều kiện sản xuất, sơ chế, kinh doanh rau an toàn, còn sản phẩm rau đến tay người tiêu dùng thì chưa được chứng nhận.

 

 

Nông dân tổ trồng rau VietGAP (phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh) trên ruộng cà.

Hướng tới nền công nghiệp rau xanh

Xuất phát từ thực tế trên, việc sản xuất rau an toàn, áp dụng công nghệ cao trong “nền công nghiệp rau xanh” là điều cần phải làm. Theo cơ quan xây dựng đề án nói trên, mục tiêu của đề án là xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản xuất, nâng cao lợi nhuận cho người trồng rau; xây dựng các vùng sản xuất rau chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGAP gắn kết với sơ chế, chế biến và tiêu thụ; hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, hộ nông dân đầu tư vào sản xuất, chế biến, kinh doanh rau an toàn, nâng cao năng suất, chất lượng rau, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người sản xuất.

Khi triển khai đề án, sẽ tiến hành xây dựng 43 điểm trình diễn về các loại giống, kỹ thuật canh tác mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết tại địa phương, có năng suất, chất lượng cao phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Có tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người sản xuất để đăng ký chứng nhận VietGAP. Trong tỉnh sẽ xây dựng 14 mô hình trồng rau áp dụng công nghệ cao tại các vùng có điều kiện thâm canh, ứng dụng vào sản xuất: sử dụng nhà kính, giống mới, chất lượng cao; hệ thống tưới, bón phân tự động… Đến năm 2020, có 50% diện tích sản xuất tại các vùng rau chuyên canh áp dụng công nghệ cao. Phấn đấu đến năm 2020 Tây Ninh có 90% diện tích sản xuất rau được giám sát, kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm, trong đó diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP là 20%. Một trong các mục tiêu hướng đến là 100% chợ tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh phải có cửa hàng kinh doanh rau an toàn. 

 Đ.V.T

Tính đến năm 2015, diện tích trồng rau chuyên canh trên địa bàn tỉnh đạt gần 800 hecta tại 7 huyện, thành phố, gồm: Gò Dầu, Châu Thành, thành phố Tây Ninh, Hoà Thành, Bến Cầu, Dương Minh Châu và Trảng Bàng. Riêng huyện Tân Biên, Tân Châu không có thống kê.

 

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập37
  • Hôm nay893
  • Tháng hiện tại7,819
  • Tổng lượt truy cập348,488
hộp thư điện tử
Lịch công tác
cổng thông tin điện tử Tây Ninh
cải cách hành chính
công báo
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây