|
Chợ Bình Thạnh được chọn làm thí điểm chuyển đổi mô hình HTX quản lý chợ.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phát triển thương mại, dịch vụ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 114/2009/NĐ/CP ngày 23.12.2009 về phát triển và quản lý chợ. Qua đó, Nhà nước chủ trương xã hội hoá các chợ bằng cách giao cho các doanh nghiệp hoặc HTX kinh doanh, khai thác và quản lý hoạt động tại chợ.
Tại Tây Ninh, UBND tỉnh cũng đã có Biên bản số 32/BB-UBND ngày 2.3.2015 về việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh. Đối với công tác kinh doanh khai thác và quản lý chợ, UBND tỉnh giao các ngành liên quan đánh giá kết quả, thực trạng tình hình quản lý, khai thác chợ trên địa bàn trong thời gian qua để xây dựng kế hoạch chuyển đổi mô hình kinh doanh thí điểm từ 1 đến 2 chợ, sau đó xây dựng mô hình chuyển đổi, củng cố sắp xếp lại các chợ trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh cũng giao Liên minh HTX tỉnh xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tạo điều kiện cho HTX tham gia; giao Sở Công Thương chủ trì trong công tác quản lý chợ.
Bà Ký Hồng Ngọc- Phó Chủ tịch Liên minh HTX Tây Ninh cho biết, chủ trương của Nhà nước là đến năm 2020 chuyển đổi tất cả các chợ có ban quản lý là đơn vị sự nghiệp công sang mô hình HTX hoặc doanh nghiệp kinh doanh chợ.
Phương án chuyển đổi theo phương thức giao cho HTX kinh doanh khai thác, quản lý chợ gồm: Quản lý, sử dụng, giải quyết các tồn tại liên quan đến mặt bằng chợ; quản lý, sử dụng, giải quyết các vấn đề về tài sản chợ; thu chi tài chính tại chợ; sử dụng lao động hiện có; thoả thuận về các tiêu chuẩn chất lượng tại chợ.
Thực hiện theo mô hình quản lý chợ với sự tham gia của doanh nghiệp hay các HTX mới có điều kiện huy động nguồn lực tài chính để đầu tư, nâng cấp các chợ (vốn của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở chợ); gắn trách nhiệm, quyền lợi của đối tượng tham gia nhằm khai thác, kinh doanh có hiệu quả, thúc đẩy hoạt động thương mại phát triển mạnh hơn nữa.
Hiện nay, Liên minh HTX tỉnh đã lập kế hoạch làm việc với UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh để nắm tình hình thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư, xây dựng chợ, để hỗ trợ, hướng dẫn chuyển đổi mô hình quản lý chợ.
Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh đánh giá, một tổ chức độc lập, được chủ động hoàn toàn về mặt tài chính đứng ra kinh doanh chợ chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao hơn mô hình quản lý theo kiểu bao cấp. Vì khi tự bỏ vốn, tự cân đối bài toán thu - chi, họ buộc phải khai thác triệt để các nguồn thu, tìm ra phương án kinh doanh tốt nhất, chuyên nghiệp hoá cao nhất để thu được lợi nhuận. Nếu không, họ sẽ bị phá sản.
Hiện nay, toàn tỉnh có 40/102 chợ có ban quản lý chợ, 31/102 chợ có tổ quản lý chợ và có 9/102 chợ không có tổ chức nào quản lý. Bộ máy quản lý chợ được thiết lập đã góp phần duy trì trật tự, kỷ cương trong hoạt động mua bán.
Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ quản lý của các ban quản lý, tổ quản lý chợ vẫn còn nhiều hạn chế; các chính sách pháp luật của Nhà nước về thuế, vệ sinh môi trường, an toàn phòng chống cháy nổ... tuy có triển khai thực hiện, nhưng chưa đi sâu vào ý thức của các tiểu thương kinh doanh tại chợ.
Từ nay đến cuối năm 2015, Tây Ninh sẽ thực hiện thí điểm chuyển đổi chợ Bình Thạnh (thuộc xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng) từ ban quản lý chợ sang mô hình HTX khai thác quản lý chợ để rút kinh nghiệm, sau đó nhân rộng ra.
Mới đây, Liên minh HTX tỉnh đã có buổi khảo sát thực tế tại chợ này. Ông Nguyễn Vũ Nam- Trưởng Ban quản lý chợ Bình Thạnh cho biết, chợ được xây dựng từ năm 1997, với diện tích 4.325m2. Hiện tại, cơ sở hạ tầng chợ Bình Thạnh đã xuống cấp nghiêm trọng, máy che nhà lồng hư hỏng, làm ảnh hưởng đến hơn 80 gian hàng trong nhà lồng chợ, gây bức xúc cho các tiểu thương; lối đi trong chợ chật hẹp.
Đáng lo nhất là nguy cơ dẫn đến cháy nổ là rất lớn vì ở chợ đến nay vẫn chưa được trang bị hệ thống phòng chống cháy nổ. Hiện tại, Ban quản lý chợ chỉ làm công việc thu phí, lệ phí, còn nhiệm vụ vệ sinh môi trường, đầu tư nâng cấp, sửa chữa… vẫn chưa được quan tâm.
Theo ngành chức năng, đa số các ban quản lý chợ vừa ít về số lượng, vừa yếu kém về năng lực do chưa được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, khai thác chợ. Sự yếu kém của các ban quản lý chợ dẫn đến việc thụ động trong khai thác nguồn thu và đầu tư xây dựng chợ.
Do đó, hằng năm ngân sách các địa phương vẫn phải chi một khoản không nhỏ để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ; chưa huy động được sự tham gia của các thành phần kinh tế.
Từ đó cho thấy, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ sang HTX là rất cần thiết, nhằm xây dựng chợ khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hoá của nhân dân tại địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.
|
Chợ Bình Thạnh hiện xuống cấp nghiêm trọng.
Tuy nhiên, khi chuyển ban quản lý chợ thành ban chủ nhiệm HTX cần phải lựa chọn những nhân sự có năng lực phù hợp với hoạt động của HTX để bảo đảm hoàn thành yêu cầu công việc, nhưng vẫn có lãi. Do đó, trong thời gian qua, đại diện một số ban quản lý chợ trên địa bàn tỉnh đã được tổ chức tham quan và học tập mô hình HTX chợ ở một số tỉnh bạn.
Theo Sở Công Thương, mô hình HTX quản lý chợ là hướng đi phù hợp với tình hình thực tế hiện nay tại Tây Ninh. Hy vọng trong thời gian tới, các cấp, các ngành phối hợp nghiên cứu, đề ra phương án tối ưu để mô hình này phát triển nhanh tại các chợ, góp phần vào sự phát triển chung lĩnh vực thương mại- dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
THANH NHI