Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sau 2 năm triển khai mô hình cho vay theo chuỗi giá trị trong phát triển nông nghiệp, đã có 28 DN với 31 dự án được thực hiện tại 22 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia chương trình. Lãi suất ngắn hạn hiện áp dụng là 6,5%/năm, một số dự án có lãi suất thấp hơn, ở mức 5,4 - 6,3%/năm.
Ngân hàng thiếu “mặn mà”
8 ngân hàng thương mại (NHTM) tham gia chương trình cũng đã chủ động phối hợp cùng DN tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn vay thực hiện các dự án theo tiến độ. Đến nay, tổng số tiền đã giải ngân theo chương trình là 6.937,24 tỷ đồng, vượt số tiền các ngân hàng đã cam kết cho vay ban đầu (5.627,62 tỷ đồng).
Phát triển cho vay theo chuỗi tạo ra cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính của khu vực nông thôn, nhất là đối với các nông hộ sản xuất nhỏ - vốn là những mắt xích tham gia những chuỗi sản xuất lớn. Tuy nhiên phát triển cho vay chuỗi sản phẩm nông nghiệp đang gặp rất nhiều trở ngại. Số tiền cho vay còn rất nhỏ so với nhu cầu thực sự của các hộ nông dân, HTX. Mức độ “mặn mà” của các NHTM còn rất hạn chế. Nguyên nhân không phải vì các ngân hàng thiếu vốn hay bị các lĩnh vực khác hút hết, mà có lẽ chủ yếu vì các rủi ro và đặc trưng của nông nghiệp.
Khu vực nông nghiệp, nông thôn còn khó tiếp cận vốn vay ngân hàng
Theo bà Đào Thị Thu Trang - Viện Ngân hàng Tài chính, hoạt động nông nghiệp thường chịu rất nhiều ảnh hưởng từ thời tiết, khả năng chế biến và bảo quản thường không hàm chứa nhiều kỹ thuật, nên lợi nhuận từ khu vực này thường thấp. Món vay từ phía các nông hộ thường nhỏ lẻ nên khó quản lý. Vấn đề tài sản bảo đảm cũng rất khó được đáp ứng, do đối tượng vay vốn thường dùng tư liệu sản xuất (đất đai, máy móc, thiết bị…) hoặc tài sản sẽ hình thành vốn vay để bảo đảm. Ngoài ra, vì rủi ro lớn chủ yếu đến từ thời tiết, chi phí quản lý cao, đồng thời phải đáp ứng được khả năng sinh lời kỳ vọng của ngân hàng, nên lãi suất lại cao mà người chịu cuối cùng luôn là các nông hội.
Theo bà Trang, yêu cầu về tài sản bảo đảm thấp hoặc không gây ra bất công đối với các ngân hàng thực hiện cho vay. Yêu cầu đối với tài sản bảo đảm, các khoản vay được thẩm định lỏng hơn bình thường nên sẽ dẫn đến tình trạng cho vay không trên cơ sở hoàn trả cả gốc và lãi theo thời gian xác định đối với một mục đích nhất định, gây ra tình trạng nợ xấu trong khối ngân hàng lại tăng cao. Tất yếu là dự phòng rủi ro tín dụng cho các khoản mục lại tăng cao hơn bình thường, khiến cho hoạt động xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã phức tạp lại càng mất nhiều công sức hơn.
Tạo thêm ưu đãi, khuyến khích NH
Ông Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, cho rằng cho vay theo chuỗi còn nhiều rào cản: tính liên kết của chủ thể trong chuỗi và các định chế tài chính đầu tư, cho vay còn khá lỏng lẻo; việc cam kết, tuân thủ hợp đồng của người nông dân còn yếu; quy trình sản xuất chất lượng chưa được tuân thủ chặt chẽ cũng khiến việc phát triển cho vay theo chuỗi chưa được như kỳ vọng. Ngoài ra, định chế tài chính tham gia trong chuỗi còn ít; hành lang pháp lý cho mô hình này chưa có.
Nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển thành công mô hình cho vay theo chuỗi, cần nâng cao khả năng tiếp cận vốn của khách hàng, trong đó giảm điều kiện về thế chấp và tăng khả năng cho vay tín chấp. NHNN nên xem xét có chính sách cho vay ưu đãi đối với phương án chuỗi sản xuất khép kín với tài sản bảo đảm là các sản phẩm được hình thành trong ngắn hạn theo chu kỳ sản xuất.
Ngoài ra, cần tạo thêm những ưu đãi để khuyến khích các NHTM tham gia vào quá trình cho vay đối với chuỗi sản phẩm nông nghiệp. Chính sách cho vay cần bắt buộc từ nhiều phía, điều này sẽ gắn kết giữa các bên sử dụng vốn vay đồng thời bảo đảm việc ngân hàng thu hồi nợ đúng thời gian.
Muốn thúc đẩy hơn nữa số tiền các ngân hàng cam kết tài trợ cho sản xuất theo chuỗi giá trị, cần phải có quy hoạch từng nhóm ngành, từng vùng sản xuất cụ thể, có sự liên kết từ đầu vào tới đầu ra, khi đó, tín dụng sẽ bền vững. Chính sách xử lý nợ cần quy định rõ ràng đâu là rủi ro bất khả kháng do thiên tai để có hướng xử lý các khoản nợ. Đối với khoản mục nợ khoanh, nên để cho các ngân hàng tự quy định thời gian khoanh nợ…
Theo thời báo kinh doanh
Ý kiến bạn đọc