|
Sản xuất rau an toàn ở xã Thái Bình, huyện Châu Thành.
“Để ngành sản xuất rau quả phát triển, tăng trưởng bền vững trong giai đoạn tới, Tây Ninh sẽ tổ chức sản xuất một cách bài bản, nghiêm túc và hiệu quả theo hướng sản xuất hàng hoá, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo chất lượng, đồng đều, liên tục trong năm, giảm chi phí đầu vào và tăng giá trị gia tăng trên đơn vị sản xuất...”- đó là khẳng định của ông Nguyễn Minh Tân- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ trong buổi làm việc với tổ khảo sát của Văn phòng Trung ương Đảng về thực trạng sản xuất, chế biến và tiêu thụ cây công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích rau hằng năm của tỉnh khoảng 20.000 ha, năng suất bình quân 15 tấn/ha, sản lượng ước đạt 285.000 - 300.000 tấn/năm. Tuy nhiên, diện tích sản xuất phân bổ không đều tại các địa phương. Các huyện có diện tích sản xuất rau lớn trong tỉnh là Trảng Bàng, Bến Cầu, Dương Minh Châu... Hiện nay Tây Ninh xây dựng 8 mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại 7 huyện, thành phố với diện tích 22 ha, có 68 hộ nông dân tham gia sản xuất; diện tích rau an toàn trên địa bàn tỉnh là 839.809m2, cho sản lượng 4.255 tấn/năm.
Vấn đề sản xuất và tiêu thụ rau quả an toàn trên địa bàn tỉnh luôn được lãnh đạo chính quyền các địa phương quan tâm. Hướng tới các địa phương sẽ tập trung vào các mục tiêu cụ thể là tăng cường sản xuất nông nghiệp sạch; tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nhà nước - nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học; tiếp cận các cơ chế và chính sách tạo sự phát triển bền vững của sản phẩm nông nghiệp sạch.
Tuy nhiên hiện nay, hầu hết các HTX sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn hoặc đang phát triển cầm chừng do giá cả không ổn định, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, trong khi chi phí đầu vào cao nên người trồng rau chưa mạnh dạn đầu tư. Đồng thời, việc phối hợp, liên kết giữa nhà nước - nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học còn khá rời rạc. Các bên chưa tìm được tiếng nói chung, sản phẩm làm ra chủ yếu bán cho những thương lái nhỏ, giá cả và sức cạnh tranh không cao. Ngoài ra, các đơn vị sản xuất rau sạch chưa quan tâm đúng mức đến việc quảng bá sản phẩm mình làm ra, sản phẩm VietGAP chưa được chú trọng đến nhãn mác, bao bì, tiếp thị... để tạo ấn tượng với người tiêu dùng.
Tại buổi làm việc, có ý kiến cho rằng, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều cơ quan, doanh nghiệp, trường học... nên nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch rất cao, nhưng những năm qua các đơn vị này không có sự hợp tác tiêu thụ sản phẩm của HTX sản xuất rau sạch. Nên chăng, tỉnh cần khuyến khích các đơn vị sử dụng rau an toàn để giúp nông dân có đầu ra cho sản phẩm. Có như vậy, sản phẩm rau sạch mới có được chỗ đứng bền vững.
Cũng tại buổi làm việc, ông Dương Văn Thắng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để khuyến khích sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch, trước mắt, chính quyền các địa phương phải tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tác động vào nhận thức của người sản xuất và người tiêu dùng. Song song đó, UBND tỉnh sẽ tạo điều kiện dưới mọi hình thức để doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông dân trong sản xuất rau củ quả.
Theo: Baotayninh.vn