Bước khởi động cho nền nông nghiệp công nghệ cao Tây Ninh

Thứ ba - 02/08/2016 17:00 18 0

Bước khởi động cho nền nông nghiệp công nghệ cao Tây Ninh

​(BTNO) - Tỉnh Tây Ninh hết sức quan tâm kêu gọi các nguồn lực trong xã hội, đặc biệt là khuyến khích, tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh, cũng như là doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ - organic, nông nghiệp công nghệ cao. 

 

Phỏng vấn ông NGUYỄN THANH NGỌC (ảnh) Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh

PV:-Thưa ông Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, qua các phương tiện truyền thông của tỉnh, người dân biết được tỉnh có tổ chức 2 đoàn cán bộ lãnh đạo đi khảo sát các cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, gọi là sản phẩm organic ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ông Phó Chủ tịch có thể cung cấp cho bạn đọc Báo Tây Ninh thông tin về chủ trương của tỉnh đối với vấn đề này?

Ông Nguyễn Thanh Ngọc: -Hiện nay tỉnh ta đang tiến hành cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó tập trung là cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch với tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tiến tới organic. Cơ cấu lại sản xuất theo hướng này tức là phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng xuất khẩu nông sản đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là nền tảng rất là vững chắc cho nông nghiệp để phát huy thế mạnh về nông nghiệp của tỉnh và nâng cao chất lượng của sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là chúng ta sẽ nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích để góp phần nâng cao lợi ích cho người nông dân. Đồng thời, nếu chúng ta tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng này được, chúng ta cũng sẽ giải quyết được vấn đề tồn tại bấy lâu nay là giải quyết đầu ra cho sản phẩm của nông dân, làm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Quan điểm phát triển của tỉnh là làm sao cho người nông dân có thể khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế để làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Để làm được điều đó, Nhà nước phải có trách nhiệm định hướng phát triển, có trách nhiệm xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ organic.

PV:-Hướng phát triển như thế là khá lý tưởng, vậy để thực hiện được chủ trương đó, tỉnh ta sẽ có những bước đi như thế nào, trong điều kiện nguồn lực của ta chưa mạnh lắm?

Ông Nguyễn Thanh Ngọc:-Để hiện thực hoá được chủ trương cơ cấu lại sản xuất theo hướng nói trên, tỉnh xác định là ngoài việc dành một phần thoả đáng về ngân sách để đầu tư theo chính sách phát triển nông nghiệp hiện nay, tỉnh cũng hết sức quan tâm kêu gọi các nguồn lực trong xã hội, đặc biệt là khuyến khích, tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh, cũng như là doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ - organic, nông nghiệp công nghệ cao. Nếu như chúng ta kết nối được các doanh nghiệp với người nông dân, thì việc tái cơ cấu lại sản xuất sẽ đạt được những yêu cầu đề ra. Vì doanh nghiệp có vốn, có kỹ thuật, có công nghệ; còn người nông dân của chúng ta thì có đất, có lao động, nếu cộng hưởng vào; cùng với sự quan tâm về cơ chế, chính sách – một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích, định hướng phát triển cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Đảng, Nhà nước, thì chúng ta sẽ có thể vượt qua khó khăn, hạn chế về khả năng, nguồn lực. Tất nhiên là muốn chuyển đổi từ một nền sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, chưa có đầu ra sản phẩm… sang hướng phát triển sản xuất tập trung, công nghệ cao, quy mô lớn đòi hỏi phải có quá trình, trong đó tỉnh xác định là sẽ xây dựng các mô hình mẫu bằng cách mời gọi các doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực này khởi xướng, đi trước để tạo ra nền tảng ban đầu.

PV: -Như vậy qua hai chuyến đi Lâm Đồng, phải chăng các công ty, nông trại sản xuất hữu cơ - organic ở Đà Lạt đã “nằm trong tầm ngắm” cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp của tỉnh, thưa ông Phó Chủ tịch?

Ông Nguyễn Thanh Ngọc: -Thực hiện chủ trương trên, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ mong muốn các đồng chí Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các sở, ngành, kể cả các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các huyện, thành phố có một chuyến trải nghiệm thực tế để chúng ta có thể nắm bắt được thông tin, học hỏi được kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, phù hợp với định hướng tái cơ cấu của tỉnh sắp tới. Từ đó giúp các đồng chí nâng cao nhận thức, trách nhiệm và sự quyết tâm từ lãnh đạo hệ thống chính trị tới các ngành, các địa phương để chúng ta xây dựng kế hoạch, định hướng tốt trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm tích luỹ được của các địa phương khác, trong đó thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng là một trong những địa phương đi đầu, có những mô hình hay trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; kể cả phát triển các hợp tác xã trên lĩnh vực này cũng rất là tốt.

PV: -Qua các chuyến đi này, đối với các mô hình phát triển ấy, tỉnh có kế hoạch mời gọi, liên kết, hợp tác gì không thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Ngọc: -Hiện nay, những đơn vị mà chúng ta đã đi khảo sát, học tập kinh nghiệm hôm nay đều đã có các mối quan hệ rất tốt đối với tỉnh, với ngành Nông nghiệp của tỉnh. Và các đối tác này cũng đã, đang là những nhà đầu tư, những người tiên phong đem các kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ – organic đến với Tây Ninh. Các doanh nghiệp mà chúng ta đi khảo sát cũng đã có những đề án, dự án rất cụ thể để đầu tư làm mô hình điểm tại Tây Ninh trong tương lai. Với sự tích cực hợp tác, sự quyết tâm đầu tư của các doanh nghiệp, cũng như là sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện của tỉnh, hy vọng rằng trong thời gian tới chúng ta sẽ có những mô hình phù hợp với địa phương thông qua các doanh nghiệp đã và đang có những mô hình rất tốt ở nhiều nơi trong nước, không chỉ riêng ở Lâm Đồng.

PV: -Ông có thể cho biết, trong các đề án, dự án của các doanh nghiệp đang và sẽ đến với Tây Ninh họ có tính đến việc thực hiện chủ trương của tỉnh là liên kết, hợp tác với nông dân như ông đã nói ở trên?

Ông Nguyễn Thanh Ngọc: -Về chiến lược phát triển dài hạn, tỉnh cũng đã có định hướng về việc các nhà đầu tư đến với Tây Ninh. Tỉnh sẽ tạo những điều kiện để kết nối giữa doanh nghiệp với người nông dân để tận dụng các lợi thế của nhau, để cùng nhau nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp của Tây Ninh, đặc biệt là hướng tới thị trường xuất khẩu; mà chỉ có hướng tới thị trường xuất khẩu với các sản phẩm đạt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, đạt các tiêu chuẩn nông nghiệp sạch chúng ta mới có thể đem lại lợi nhuận cao cho người nông dân cũng như cho doanh nghiệp. Như vậy thì lợi ích của hai bên sẽ được nâng lên nếu như sự cộng tác, sự phối hợp thật chặt chẽ, thật tốt. Đó là điều mà tỉnh luôn khuyến khích. Và đối với các doanh nghiệp, họ cũng rất đồng tình với chủ trương của tỉnh là sẽ gắn kết với người nông dân, sẽ chuyển giao công nghệ cho người nông dân, rồi doanh nghiệp sẽ là người đứng ra bao tiêu sản phẩm, bảo đảm đầu ra sản phẩm, bảo đảm cuộc sống ổn định cho nông dân.

 

 

Đoàn công tác tỉnh Tây Ninh tham quan mô hình sản xuất thuỷ canh nông sản organic tại Công ty Vườn hoa Bạch Cúc (TP. Đà Lạt)

PV: -Như vậy là, nên chăng tỉnh đề nghị doanh nghiệp đưa hoạt động liên kết, hợp tác với nông dân vào dự án của họ ngay từ ban đầu?

Ông Nguyễn Thanh Ngọc: -Hiện nay, doanh nghiệp cũng thống nhất với định hướng chung đó, nhưng trước mắt thì các doanh nghiệp chưa thể liên kết ngay được, mà sẽ tập trung đầu tư tạo ra mô hình. Và khi mô hình hoạt động có hiệu quả thì doanh nghiệp sẽ phổ biến, tuyên truyền cho nông dân để nông dân hiểu được tính hiệu quả của tái cơ cấu nông nghiệp, của sản xuất nông nghiệp sạch, sau đó mới chuyển sang một bước tiếp theo, đó là liên kết, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ cho nông dân và hợp tác với nông dân trong quá trình tạo ra chuỗi giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

PV: -Như thế có nghĩa là ban đầu tỉnh sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư đến Tây Ninh để xây dựng mô hình, chẳng hạn như là giao đất sạch cho nhà đầu tư, rồi về sau doanh nghiệp mới có sự liên kết, hợp tác với nông dân?

Ông Nguyễn Thanh Ngọc: -Trước mắt, nếu như tỉnh hiện có quỹ đất sạch phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp để làm theo hướng organic thì sẽ hỗ trợ để doanh nghiệp có thể có ngay quỹ đất để làm mô hình; nếu như quỹ đất chưa phù hợp  hoặc không còn thì tỉnh sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp khảo sát để tìm được vị trí cho phù hợp. Còn về lâu dài, tỉnh chủ trương không thu hồi đất của người dân để giao cho doanh nghiệp làm nông nghiệp, mà sẽ tạo điều kiện hướng dẫn để cho doanh nghiệp hợp tác với người dân trên chính mảnh đất của người dân, để vừa tạo điều kiện tích tụ vùng đất phù hợp với dự án, vừa tạo điều kiện cho người dân tham gia sản xuất tạo ra những sản phẩm có chất lượng, có hiệu quả trên chính mảnh đất của mình.

PV: -Thưa ông Phó Chủ tịch, vừa qua ngay trong chuyến đi đầu tiên của đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh đến Đà Lạt, trên mạng xã hội đã có người dân góp ý rằng tỉnh nên mời gọi doanh nghiệp đến sản xuất thực phẩm organic ở khu vực Ma Thiên Lãnh trong quần thể núi Bà Đen, vì ở đó có điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp cho việc sản xuất các loại rau cao cấp giống như ở Đà Lạt, ông Phó Chủ tịch nghĩ sao về ý tưởng đó?

Ông Nguyễn Thanh Ngọc: -Vấn đề hiện nay là tỉnh chỉ định hướng và mời gọi đầu tư, còn yếu tố quyết định, sự lựa chọn ở đâu, làm như thế nào, nơi nào có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với loại cây trồng hay loại vật nuôi theo hướng nông nghiệp sạch hay không là do chính nhà đầu tư quyết định. Như vậy, chúng ta sẽ cung cấp cho nhà đầu tư thật nhiều thông tin, kể cả những thông tin như là sự phản ánh, ý tưởng của người dân để cho nhà đầu tư có nhiều sự lựa chọn. Hiện nay, tỉnh cũng muốn khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của núi Bà Đen và các vùng phụ cận núi Bà, trong đó có thể gắn kết giữa phát triển nông nghiệp công nghệ cao với du lịch; và cũng có một số nhà đầu tư quan tâm theo hướng này để nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời bảo đảm tạo ra một thương hiệu nông sản công nghệ cao của Tây Ninh trong thời gian tới.

PV: -Vâng, sao lại không thể có “Rau sạch Bà Đen” như là “Mãng cầu Bà Đen” mà chúng ta đã có thương hiệu chỉ dẫn địa lý phải không, thưa ông Phó Chủ tịch! Xin cảm ơn ông Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã dành cho Báo Tây Ninh cuộc trao đổi thú vị này.

Theo:Baotayninh.vn

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập36
  • Hôm nay833
  • Tháng hiện tại7,759
  • Tổng lượt truy cập348,428
hộp thư điện tử
Lịch công tác
cổng thông tin điện tử Tây Ninh
cải cách hành chính
công báo
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây