BTN - Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tổ chức cho nông dân trên địa bàn tỉnh đi học tập mô hình sản xuất lúa ST24 của ông Hồ Quang Cua. Qua tham quan, học hỏi, nhận thấy đây là giống lúa có triển vọng, HTX Giống cây trồng và dịch vụ nông nghiệp Bàu Đồn đã liên kết với Công ty Nông sản Việt để làm gạo chất lượng cao
Nông dân xem thiết bị bay không người lái phun thuốc BVTV trên ruộng lúa
Năm 2017, giống ST24 đoạt giải nhất trong cuộc thi Festival lúa gạo Việt Nam và đến cuối năm này đoạt giải top 3 gạo ngon nhất thế giới, sự kiện được tổ chức tại Macau (Trung Quốc). Năm 2018, ST24 lại đoạt giải trong Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ 3. Đặc biệt, giống lúa ST25 của tác giả Hồ Quang Cua đã đạt giải nhất gạo ngon nhất thế giới vào năm 2019.
Tây Ninh có nhiều điều kiện thuận lợi về tự nhiên, sông ngòi cùng với hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng - lợi thế về nguồn nước để phát triển cây lúa. Diện tích gieo trồng cây lúa hằng năm đạt khoảng 150.000 ha, là tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn so các tỉnh Đông Nam bộ.
Đây là cơ sở cho quá trình tái cơ cấu ngành sản xuất lúa của tỉnh, tạo ra giá trị gia tăng theo đề án tái cơ cấu của ngành, tăng sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập với khu vực, trên thế giới, đồng thời thích nghi với quá trình biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay.
Theo Trung tâm Khuyến nông, các giống lúa chủ lực đồng bằng sông Cửu Long đều có mặt tại Tây Ninh, năng suất bình quân đạt 52,7 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng trên 761.000 tấn.
Trên địa bàn tỉnh sản xuất chủ yếu giống lúa ngắn ngày và trung ngày. Một số giống được sử dụng phổ biến là OM 4900, OM 5451, OM 6976, OM 1352, OM 6162, OM 7347, OM 576, IR 50404. Trong đó, giống có diện tích sản xuất nhiều là OM 4900, OM 5451, OM 576... Hiện nay, nông dân đã sử dụng giống lúa xác nhận - nhất là trong mô hình liên kết. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều hộ tự để giống hoặc trao đổi giống với nhau, dẫn đến giống bị lẫn tạp, kém chất lượng.
Bên cạnh đó, nông dân vẫn còn trồng một số giống lúa chất lượng thấp, gạo nở, cứng cơm như IR 50404, OM576, chiếm khoảng 35 - 40%. Trên một cánh đồng, người dân còn sử dụng quá nhiều giống lúa nên dễ bị lẫn tạp trong quá trình thu mua, làm ảnh hưởng không tốt đến chất lượng gạo.
Các đề án, dự án đầu tư trên cây lúa như Đề án xây dựng mạng lưới nhân giống lúa; mô hình liên kết 4 nhà, tiến đến xây dựng cánh đồng mẫu và cánh đồng lớn theo hướng VietGAP… bước đầu đã có kết quả, giúp cho người dân tham gia mô hình giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả trong sản xuất lúa.
Giống lúa ST24 của nhóm tác giả Hồ Quang Cua, Trần Tấn Phương, Nguyễn Thị Thu Hương thích ứng tốt với điều kiện thời tiết biến đổi, cho năng suất ổn định, đạt 5 - 6 tấn/ha. Giống lúa này có các đặc tính: bông lúa to và dày nách, ít lép; gạo trắng, trong, dài và thon.
Thời gian sinh trưởng từ 95 - 100 ngày trong vụ Đông Xuân, 100 - 105 ngày trong vụ Hè Thu; chiều cao cây 105 - 110 cm. Hàm lượng amylose 16 - 18% thuộc nhóm gạo dẻo, mềm cơm, độ trở hồ thấp (cấp 6 - 7), đặc biệt mùi thơm cấp 2.
Trong quá trình canh tác, dịch hại rất nhẹ, có thể canh tác trong vụ Đông Xuân và Hè Thu ở vùng đất nhiễm mặn đã được ngọt hoá, đất cận giồng cát đất sản xuất 2 vụ lúa trong năm có ảnh hưởng lũ nhẹ và vùng luân canh lúa - tôm nước lợ ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Nguyễn Văn Nhành - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Giống cây trồng và dịch vụ nông nghiệp Bàu Đồn (huyện Gò Dầu) cho biết, trước đây, HTX liên kết với một số doanh nghiệp sản xuất giống lúa ST20, ST21, Hồng Ngọc (gạo đỏ).
Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tổ chức cho nông dân trên địa bàn tỉnh đi học tập mô hình sản xuất lúa ST24 của ông Hồ Quang Cua. Qua tham quan, học hỏi, nhận thấy đây là giống lúa có triển vọng, HTX đã liên kết với Công ty Nông sản Việt để làm gạo chất lượng cao. Vụ Hè Thu năm 2020 cũng là vụ đầu tiên HTX sản xuất giống lúa này.
Ban đầu nông dân đăng ký sản xuất khoảng 30 ha, theo kế hoạch là cấy lúa nhưng do dịch Covid-19 nên dịch vụ máy cấy không nhận làm. Do đó, HTX phải dùng phương pháp xạ trên diện tích 20,7 ha với 11 hộ tham gia. Trong quá trình canh tác, lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Đến nay, lúa được trên 80 ngày và còn khoảng 20 ngày nữa thu hoạch.
Ông Nhành chia sẻ: “Giá bán của giống lúa này cao hơn những giống lúa khác. Như giống OM 5451, hiện nay chỉ có 4.700 đồng - 4.800 đồng/kg (lúa tươi), còn ST24 là 6.500 đồng/kg nhưng chất lượng gạo ngon hơn. Hướng tới, HTX sẽ mở rộng diện tích và chuyển sang hình thức cấy lúa để khử lẫn, nâng cao năng suất… Những ngày qua, đã có một số hộ đăng ký sản xuất giống ST24 với HTX”.
Là đơn vị liên kết với HTX Giống cây trồng và dịch vụ nông nghiệp Bàu Đồn sản xuất lúa ST24 và tiêu thụ sản phẩm, anh Nguyễn Hải Đăng - Giám đốc Công ty Nông sản Việt nhận định: “Giống lúa ST24 có rất nhiều tiềm năng về thị trường, năng suất, nông dân rất thích giống lúa này. Tuy nhiên, đây là giống chất lượng cao nên thị trường có yêu cầu cao về chất lượng.
Vì vậy, nông dân phải hết sức quan tâm, bảo đảm các điều kiện như sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, phải cấy lúa để khử lẫn… Năm nay, công ty triển khai giống lúa ST24 và định hướng năm sau sẽ tiếp tục triển khai giống ST25”.
Anh Lê Hoàng Nam, ngụ ấp Chánh, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu cho biết, gia đình anh có 5 ha đất trồng lúa sản xuất lúa. Hiện anh đang trồng giống OM 18 và trồng thử nghiệm 1 công (1.000m2) giống ST24. Trước đó, anh đi tham quan trồng giống lúa ST24 ở tỉnh Sóc Trăng, sau đó là HTX Giống cây trồng và dịch vụ nông nghiệp Bàu Đồn (Gò Dầu).
Anh Nam chia sẻ, giống lúa này nếu trồng ở khu vực đất phù sa vùng An Thạnh rất thích hợp, nếu kết hợp với kỹ thuật canh tác tốt sẽ đem lại hiệu quả rất cao so với những giống phẩm cấp thấp mà nông dân đang canh tác hiện nay.
“Những năm trước đây, Việt Nam chưa có giống lúa xứng tầm thương hiệu nhưng hiện đã có giống ST24, ST25 danh tiếng trên thế giới. Chúng ta nên tận dụng, nắm bắt cơ hội này để đưa thương hiệu gạo Việt Nam ra thế giới” - anh Nam nói. Với suy nghĩ như vậy, anh dự định sẽ trồng những giống lúa chất lượng cao để có thêm thu nhập.
Dự tính vụ Đông Xuân sắp tới, anh sẽ chuyển sang trồng giống ST24 trên toàn diện tích. Băn khoăn hiện nay của anh khi canh tác giống lúa mới mong doanh nghiệp hỗ trợ tìm nơi có dịch vụ cấy lúa cho nông dân và vấn đề bao tiêu sản phẩm, vì phải có doanh nghiệp bao tiêu thì nông dân mới mạnh dạn làm.
Ông Hà Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết, thời gian tới, Tây Ninh sẽ chuyển đổi vùng sản xuất lúa hiệu quả thấp sang vùng lúa chất lượng cao.
Trung tâm đã tổ chức cho nông dân ở 6 huyện sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh đi học tập mô hình sản xuất giống lúa ST24 ở tỉnh Sóc Trăng. Sau chuyến đi này, đơn vị đã hỗ trợ cho nông dân ở xã Bàu Đồn (huyện Gò Dầu) thí điểm, đồng thời liên kết với Công ty Nông sản Việt xây dựng chuỗi bao tiêu sản phẩm để nông dân yên tâm sản xuất.
Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp để xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất lúa và phát triển thêm các giống lúa chất lượng cao để người dân chuyển đổi sang những giống này.
Bên cạnh đó, Trung tâm hỗ trợ nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng thu nhập, tăng hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao giá trị và chất lượng cây lúa Tây Ninh. Trung tâm đang khảo nghiệm các giống lúa ST25, Hồng Ngọc hương dứa, lúa đen… để đánh giá về sinh trưởng, năng suất, hiệu quả…
Nguồn:baotayninh.vn
Ý kiến bạn đọc