BTN - Thời gian qua, tỉnh ưu tiên hỗ trợ nông dân thực hiện việc cấp giấy chứng nhận VietGAP cho các mặt hàng nông sản: rau, củ, trái cây. Tuy nhiên hiện nay, nhiều nông dân, địa phương không còn mặn mà với việc tái đăng ký chứng nhận VietGAP.
Thu hoạch mãng cầu (ảnh chụp tại HTX mãng cầu Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh).
Vào năm 2017, các xã viên hợp tác xã (HTX) sản xuất rau an toàn Rỗng Tượng (huyện Gò Dầu) háo hức đăng ký thực hiện chương trình canh tác theo VietGAP với mong muốn đầu ra của nông sản được thuận lợi hơn, có giá bán cao hơn. Sau vài năm thực hiện, rau VietGAP vẫn chưa có kênh tiêu thụ riêng, vẫn phải bán ra thị trường theo truyền thống, nên đến nay, nhiều xã viên đã không còn mặn mà với việc tái đăng ký chứng nhận VietGAP.
Đại diện HTX rau Rỗng Tượng cho biết: “Chứng nhận VietGAP chỉ sử dụng được trong 3 năm và sau đó phải thực hiện việc tái đăng ký. Sau đó, chúng tôi vận động xã viên đóng góp tiền để tái đăng ký chứng nhận thì nhiều nông dân không còn mặn mà. Vì chi phí thì cao nhưng đầu ra của sản phẩm cũng không cao so với các loại rau củ trồng thông thường. Nông dân không có lợi ích gì thì họ đâu có thiết tha tái đăng ký chứng nhận làm chi”.
Theo một nhân viên của Tổ chức chứng nhận NHO-QSCERT (tại Cần Thơ) trong một buổi làm việc tại Tây Ninh, chi phí cấp giấy chứng nhận nông sản GAP thường tuỳ từng trường hợp, nếu là mô hình sản xuất tái chứng nhận thì chi phí sẽ giảm. Ngược lại, nếu có gián đoạn và “xé lẻ” ra từng hộ thành nhiều giấy chứng nhận ở nhiều nơi thì chi phí đội lên. Vì vậy, khi bà con canh tác VietGAP cần tham khảo thật kỹ các mô hình đã thành công, tổ chức sản xuất tập trung và tái chứng nhận khi giấy chứng nhận gần hết hạn thì sẽ tốn ít chi phí để kiểm tra, cấp giấy chứng nhận. |
Cuối năm 2015, Tổ hợp tác (THT) sản xuất mãng cầu Suối Đá (xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu) được Nhà nước hỗ trợ cấp chứng nhận VietGAP cho 8 hộ thành viên với 22,7 ha mãng cầu ta.
Đến năm 2018, khi giấy chứng nhận này hết hạn, nông dân phải bỏ “tiền túi” để đăng ký tái chứng nhận VietGAP thì 7/8 thành viên không đăng ký thực hiện, mà quyết định sản xuất theo cách truyền thống như trước.
Anh Trần Trung Kiên, Tổ trưởng THT mãng cầu Suối Đá cho biết, giá trọn gói của phí tái chứng nhận VietGAP khoảng 20 triệu đồng. Trung bình mỗi thành viên sẽ đóng khoảng 2,5 triệu đồng. Giấy chứng nhận có giá trị trong 3 năm. Sau đó, hầu hết thành viên đều không tái đăng ký. Vì giá mãng cầu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được bán ra không khác gì giá của mãng cầu sản xuất theo kiểu truyền thống. Do người trồng không muốn phải tốn thêm chi phí và thực hiện quy trình sản xuất phức tạp hơn, cực hơn phương pháp sản xuất cũ.
Anh Kiên cho biết thêm, anh đã cố gắng thuyết phục các thành viên tái đăng ký chứng nhận VietGAP để họ cùng tham gia giữ thương hiệu mãng cầu Suối Đá nói riêng và mãng cầu Tây Ninh nói chung, nhưng họ cương quyết từ chối. “Riêng tôi vẫn quyết tâm sản xuất mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP để từng bước đưa trái mãng cầu của Tây Ninh đến với đông đảo người dân, du khách và ra thế giới. Tôi bỏ tiền đăng ký chứng nhận VietGAP cho 10 ha mãng cầu của gia đình mình".
Không riêng gì hoa màu, mãng cầu mà nhiều loại cây trồng khác như bưởi, nhãn… giá bán chưa phù hợp với chất lượng và quy trình sản xuất, nên đa phần nông dân không mặn mà với việc đăng ký chứng nhận VietGAP hoặc tái chứng nhận VietGAP.
Trên thực tế, từ nhiều năm nay, việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra theo... quy trình ngược. Nhà nước hỗ trợ phần lớn chi phí để khuyến khích nông dân làm chứng nhận VietGAP, GlobalGAP cho các sản phẩm rồi… chờ cơ hội thị trường đến chứ không phải có đơn đặt hàng rồi mới đầu tư sản xuất. Thêm vào đó, công tác quy hoạch vùng sản xuất VietGAP chưa được hoàn thiện, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho sản xuất chưa được đáp ứng; chính sách khuyến khích chưa đủ sức thu hút để các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất VietGAP…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã cấp chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt GAP cho hơn 885 ha diện tích trồng cây ăn quả, hơn 1.986 ha lúa; hỗ trợ chứng nhận sản xuất rau chứng nhận VietGAP, GlobalGAP là 141,50 ha tại 8/9 huyện, thành phố. Đã có chủ trương phê duyệt gói thầu, đang tiến hành lập hồ sơ mời thầu để tiến hành triển khai cho nông dân đăng ký theo tiêu chuẩn GlobalGAP. |
Việc xây dựng mô hình VietGAP tốn nhiều công sức, tiền bạc nhưng còn khá nhiều hạn chế, bất cập đã đẩy tình trạng canh tác theo quy trình VietGAP dễ “chết yểu” khi hết thời gian “tiếp sức” của Nhà nước.
Vì vậy, thiết nghĩ, trong thời gian tới, Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ nông dân trong thời gian đầu chứng nhận VietGAP; đầu tư hạ tầng cho vùng canh tác VietGAP; doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường khi hợp tác phát triển trái cây VietGAP… Đồng thời, nông dân cũng cần có trách nhiệm trong việc tích cực tìm đầu ra sản phẩm, thay đổi thói quen sản xuất và đóng chi phí tái chứng nhận khi hết thời gian hỗ trợ của Nhà nước.
Nguồn:baotayninh.vn
Ý kiến bạn đọc