Thời gian qua, nhiều nông dân đã phản ánh đến các cơ quan có thẩm quyền về tình trạng sản xuất nông sản (lúa, mì) và hoa màu, củ quả… bị thương lái ép giá. Họ kiến nghị ngành chức năng quan tâm tạo sự liên kết giữa các cơ sở, doanh nghiệp với nông dân để bao tiêu sản phẩm, bình ổn đầu ra.
Để tăng cường việc liên kết- sản xuất giữa doanh nghiệp và người dân, tỉnh đã phê duyệt đề án Phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành Nông nghiệp tỉnh Tây Ninh tại Quyết định số 2029 ngày 20.9.2019. Hiện ngành Nông nghiệp đã có Công văn số 2627/SNN-KHT ngày 23.9.2019 và Công văn số 2849/SNN-KHTC ngày 10.10.2019 để triển khai quyết định phê duyệt đề án Phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành Nông nghiệp tỉnh Tây Ninh.
Nông dân thu hoạch lúa- Ảnh minh họa
Trong năm 2020, ngành Nông nghiệp đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện liên kết trên cây trồng, vật nuôi thế mạnh của tỉnh, như rau, mì, cây ăn quả, lúa, bò, sữa, gà ta…
Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân dẫn tới việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn là do thiếu các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp “đầu tàu” đóng vai trò dẫn dắt, đặc biệt là các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian tới, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT tham mưu việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, đồng thời tiếp cận mời gọi các doanh nghiệp lớn để thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Song song đó, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX và nông dân xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, người dân cũng phải thay đổi tư duy sản xuất các sản phẩm theo nhu cầu thị trường, áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt và có hợp đồng liên kết, tiêu thụ để bảo đảm đầu ra cho nông sản, từng bước hình thành chuỗi sản xuất- tiêu thụ bền vững, tránh tình trạng phụ thuộc vào thương lái và bị ép giá như hiện nay.
Nguồn:baotayninh.vn