Tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã thời gian qua
Thời gian qua, kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) đã và đang phát triển rộng khắp trên các vùng miền, địa phương, cả nông thôn và thành thị. Nhận thức của người dân, doanh nghiệp (DN) về tổ chức sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, HTX ngày càng được nâng lên. Số lượng HTX, liên hiệp HTX thành lập mới tăng nhanh; quy mô và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX được cải thiện; nhiều HTX, liên hiệp HTX tăng quy mô số lượng thành viên, tài chính và mở rộng phạm vi hoạt động.
Theo số liệu thống kê, đến tháng 9/2019, cả nước có 23.905 HTX, tăng 6,5% so với năm 2018, trong đó, 22.649 HTX đang hoạt động, 1.256 HTX ngừng hoạt động. Số HTX đang hoạt động được phân loại như sau: Nông - lâm - ngư - diêm nghiệp thủy sản là 4.379 HTX, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: 1.923 HTX, thương mại là 1.944 HTX, vận tải và dịch vụ vận tải là 1.375 HTX, xây dựng - sản xuất vật liệu xây dựng là 852 HTX, môi trường là 483 HTX, Quỹ Tín dụng nhân dân là 1.180 Quỹ... Cả nước có 54/63 tỉnh, thành phố tăng số lượng HTX. Cụ thể, số HTX vùng Tây Bắc tăng 4% và chiếm 9% tổng số HTX, vùng Đông Bắc tăng 4% và chiếm 18%, vùng Đồng bằng sông Hồng giảm -5% và chiếm 25%, vùng Bắc Trung bộ tăng 4% và chiếm 18%, vùng Duyên hải Nam Trung bộ giảm - 4% và chiếm 5%, Tây Nguyên tăng 6% và chiếm 6%, Đông Nam Bộ tăng 3% và chiếm 8%, vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng 4% và chiếm 12%.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, cả nước thành lập mới 02 liên hiệp HTX, nâng tổng số liên hiệp HTX trên toàn quốc là 76, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, vận tải. Cả nước có trên 100 nghìn tổ hợp tác (THT), trong đó THT nông nghiệp chiếm 32%, phi nông nghiệp chiếm 68% với các hình thức hợp tác đa dạng, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân.
Tổng vốn điều lệ của các HTX là 32 nghìn tỷ đồng, (bình quân mỗi HTX là 1,3 tỷ đồng/HTX); tổng tài sản là 171 nghìn tỷ đồng (bình quân 7,7 tỷ đồng/HTX), trong đó, Quỹ Tín dụng nhân dân đạt trung bình 96 tỷ đồng/quỹ; doanh thu bình quân HTX 4,2 tỷ đồng/HTX, lãi bình quân 305 triệu đồng/HTX. Tổng số lao động thường xuyên khoảng 2,5 triệu lao động, với thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX là 45 triệu đồng/năm/người. Cả nước có khoảng 1.500 HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị thị trường trong nước và nước ngoài, áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn sản phẩm, ký kết hoạt động tiêu thụ sản phẩm dài hạn với DN.
Đến nay, mô hình HTX sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của quốc gia, vùng, địa phương ngày càng được mở rộng, trở thành xu thế chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất để HTX nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững như: HTX Lâm nghiệp công nghệ cao tỉnh Phú Yên (với quy mô cấp tỉnh), HTX bò sữa Evergrowth tỉnh Sóc Trăng (đã xây dựng thành công và đưa vào hoạt động nhà máy trộn thức ăn tinh cho bò sữa), HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào tỉnh Lâm Đồng sản xuất rau an toàn, liên kết với các siêu thị và trực tiếp tiêu thụ trên 52 tỉnh trong cả nước và xuất khẩu sang Hàn Quốc; HTX Thanh Long Tầm Vu ở Long An; HTX xoài La Ngà ở Định Quán, Đồng Nai… Các địa phương trong cả nước đã chỉ đạo thực hiện phát triển KTTT, HTX gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình OCOP, Đề án phát triển 15.000 HTX, Liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả theo Quyết định số 461/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Đề án xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị… qua đó, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Mặc dù, đạt được một số kết quả đáng khích lệ, nhưng sự phát triển của khu vực KTTT, HTX vẫn còn tồn tại một số hạn chế.
Thứ nhất, khu vực KTTT, HTX tuy tăng về số lượng, chất lượng, hiệu quả hoạt động, nhưng phát triển chưa như kỳ vọng, do phải đối mặt với những khó khăn sau: biến động giá cả thị trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh của các HTX.
Thứ hai, việc tuyên truyền thực hiện Luật HTX năm 2012 từ HTX đến thành viên, hộ kinh doanh còn gặp khó khăn; vai trò của Ban Giám đốc HTX trong việc hỗ trợ các thành viên, hộ kinh doanh tiếp cận nguồn vốn vay, chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế. Hiện nay, vẫn còn nhiều HTX yếu kém hoặc duy trì hoạt động ở mức trung bình, mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp một số dịch vụ thiết yếu cho thành viên, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành của các HTX còn hạn chế.
Thứ ba, nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển KTTT, HTX còn hạn chế, số lượng HTX được tiếp cận chính sách chưa nhiều; việc tiếp cận các nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX và vốn vay từ các tổ chức tín dụng của các HTX còn hạn chế. Phát triển HTX được gắn với tiêu chí số 13 trong xây dựng nông thôn mới, do yêu cầu đạt các tiêu chí để về đích nông thôn mới. Nhiều HTX có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, chất lượng đội ngũ cán bộ ở một số HTX chưa đáp ứng được yêu cầu.
Thứ tư, công tác quản lý nhà nước về KTTT, HTX chưa được thực hiện theo đúng quy định; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước về KTTT các cấp chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Luật của các HTX còn hạn chế, chưa kịp thời xử lý vi phạm pháp luật của HTX, các cá nhân, tổ chức liên quan. Công tác kế toán, tài chính của HTX chưa được thực hiện nghiêm túc, bài bản và đầy đủ. Việc xây dựng báo cáo tài chính, phương án sản xuất kinh doanh cũng còn hạn chế.
Thứ năm, một số HTX thực hiện đăng ký lại còn hình thức, phương thức hoạt động không thay đổi, hoạt động sản xuất kinh doanh còn thụ động, chưa đáp ứng được các quy định của Luật HTX năm 2012. Bên cạnh đó, sự liên kết, hợp tác giữa các HTX chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp, vai trò của liên hiệp HTX chưa được phát huy. Nhiều HTX, liên hiệp HTX vẫn ở trong tình trạng khó khăn, yếu kém kéo dài, năng lực nội tại của các HTX còn yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu; năng lực, trình độ cán bộ quản lý trong khu vực HTX còn hạn chế, không đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong điều kiện hiện nay.
Thứ sáu, một số tổ hợp tác trong nông nghiệp nông thôn còn gặp phải những khó khăn mới như: Sản xuất kinh doanh trong điều kiện của biến đổi khí hậu; phải cạnh tranh với các thành phần kinh tế như doanh nghiệp, HTX trong nền kinh tế thị trường, nhất là các cạnh tranh mới về khoa học công nghệ, về giá thành và chất lượng sản phẩm nhưng chưa được chia sẽ thông tin kịp thời.
Giải pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong thời gian tới
Để mô hình KTTT, HTX ngày càng phát triển, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, cụ thể:
Một là, tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân và hệ thống chính trị về bản chất, cơ chế hoạt động của HTX kiểu mới, vai trò và lợi ích của KTTT, HTX trong phát triển sản xuất, kinh doanh, làm giàu hợp pháp, góp phần phát triển đất nước; Tập trung truyên truyền, vận động, khuyến khích tầng lớp thanh niên tiếp thu tiến bộ khoa học công nghệ, tham gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo mô hình HTX.
Hai là, rà soát, bổ sung, hoàn thiện khu pháp luật và chính sách hỗ trợ phát triển KTTT nhằm tạo môi trường thuận lợi cho HTX phát triển. Trong đó, rà soát và tổ chức triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển KTTT, HTX theo các chương trình, đề án đã được phê duyệt; Xây dựng Chiến lược phát triển KTTT, HTX đến năm 2030 để có định hướng, chính sách tổng thể, lâu dài cho HTX; xây dựng Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở rà soát các nội dung Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo hỗ trợ tập trung, phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao. Nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn đối với kiểm toán HTX phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành; Bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của Trung ương và địa phương nhằm kịp thời hỗ trợ vốn cho HTX đầu tư phát triển, nhất là các HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất công nghệ cao.
Ba là, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với HTX, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong phát triển HTX, xây dựng cơ chế hợp tác, liên kết, huy động sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, hội, hiệp hội các cấp.Tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động KTTT, HTX để nắm bắt sát tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc và dự báo xu hướng phát triển KTTT, HTX; Xây dựng và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tiêu biểu, hoạt động hiệu quả trên cả nước; Tăng cường công tác liên doanh, liên kết trong tổ chức sản xuất kinh doanh của HTX; Theo dõi, xuyên suốt quá trình hoạt động và thông qua các phong trào thi đua để phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng những mô hình mới, cách làm hiệu quả; Thực hiện tốt công tác đánh giá, khen thưởng nhằm khích lệ các HTX.
Bốn là, kiện toàn tổ chức thống nhất, đồng bộ và xuyên suốt trong công tác chỉ đạo, phối hợp, điều hành giữa Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển KTTT, HTX ở Trung ương và địa phương, bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về KTTT, HTX. Củng cố tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về KTTT thống nhất từ Trung ương đến địa phươngtheo hướng ngành Kế hoạch và Đầu tư giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước chung về KTTT; các bộ, ngành thực hiện chức năng quản lý nhà nước về KTTT theo lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012.
Năm là, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX; Thực hiện tái cơ cấu, giải thể dứt điểm các HTX yếu kém, đã ngừng hoạt động để tạo dư địa cho thành lập HTX mới; Tiếp tục thực hiện tốt chính sách đào tạo và thu hút cán bộ về công tác tại các HTX; Thực hiện hiệu quả chính sách đưa cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại HTX; Tăng cường năng lực quản trị hợp tác xã theo hướng công khai, minh bạch; củng cố bộ máy kế toán, kiểm toán. Phát triển tổ hợp tác để tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác, chuyển dần thành HTX; phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương, trên cơ sở liên kết hộ sản xuất với DN chế biến, tiêu thụ hàng hóa; khuyến khích và hỗ trợ thành lập các liên hiệp HTX làm đầu kéo cho HTX thành viên tăng quy mô, phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị.
Sáu là, phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, Liên minh HTX Việt Nam trong phát triển KTTT, HTX; Tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp trong việc thực hiện Nghị quyết, các quy định pháp luật, thúc đẩy phát triển KTTT, HTX; Đẩy mạnh công tác giám sát, phản biện và tham gia xây dựng các cơ chế, chính sách về kinh tế tập thể, HTX; Vận động thành lập HTX và xây dựng các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả...
Bảy là, chú trọng phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực về quản lý nhà nước và quản trị sản xuất, kinh doanh cho khu vực KTTT, HTX; đổi mới và hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu và đưa các chương trình đào tạo về KTTT, HTX vào các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân; thực hiện công tác quy hoạch và sử dụng nguồn nhân lực một cách hợp lý, hiệu quả.
Tài liệu tham khảo
Ban Chấp hành Trung ương (2002), Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/03/2002 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể;
Quốc hội (2012), Luật Hợp tác xã 2012;
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2019), Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/03/2002 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể;
Tùng Linh (2019), Cơ hội và thách thức phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã, http://www.mpi.gov.vn