Sản xuất hàng mây tre tại HTX mây tre lá số 2 xã Long Thành Nam, huyện Hoà Thành.
HTX khó tiếp cận vốn
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, HTX có vai trò hết sức quan trọng. Bởi vì thành phần kinh tế này không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, mà còn từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn trong thời kỳ hội nhập, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Thời gian qua, Nhà nước và tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, đề án đối với lĩnh vực phát triển nông nghiệp, trong đó có nhiều chính sách về hỗ trợ vay vốn tín dụng đối với các loại hình kinh tế thuộc lĩnh vực nông nghiệp nói chung, HTX và tổ hợp tác nói riêng.
Trong đó, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9.6.2015 của Chính phủ khuyến khích các tổ chức tín dụng mạnh dạn đầu tư vốn phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện để các HTX nông nghiệp tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng. Nghị định 55 của Chính phủ cũng quy định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, các HTX có hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp được vay tối đa 1 tỷ đồng, không cần tài sản thế chấp.
Nghị định 55 đã tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX tiếp cận các nguồn vốn tín dụng của ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của xã viên. Tuy nhiên, thực tế, việc tổ chức triển khai và tiếp cận nguồn vốn trên còn nhiều bất cập.
Theo Liên minh HTX tỉnh, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 94 HTX, trong đó có 50 HTX nông nghiệp; 33 HTX dịch vụ nông nghiệp; 11 HTX tiểu thủ công nghiệp... Do cơ sở vật chất, công nghệ và trình độ quản lý yếu, tính cạnh tranh kém… hầu hết các HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
Ông Hà Ngọc Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Mây tre lá số 2, xã Long Thành Nam, huyện Hoà Thành chia sẻ: Hiện HTX cần khoảng 600 triệu đồng để đầu tư gian hàng để trưng bày sản phẩm tại Trung tâm thương mại Long Hoa, cũng như đầu tư mở rộng sản xuất. Về mặt thủ tục, HTX hoàn thành rất nhanh chóng và đầy đủ, có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, có danh sách hộ thành viên... Theo Nghị định 55, HTX sẽ không phải thế chấp tài sản, nhưng phía ngân hàng vẫn bắt buộc HTX thế chấp tài sản. Chính vì vậy, HTX bị từ chối ngay từ đầu mà không cần cử nhân viên thẩm định hồ sơ.
Ông Quyết cho biết, HTX có 60 xã viên, nhưng vốn kinh doanh của HTX rất hạn hẹp- chỉ có 40 triệu đồng từ nguồn đóng góp của các xã viên. Do đó, HTX chỉ hoạt động cầm chừng vì thiếu vốn. Vay vốn ngân hàng không thành công, ông đành phải mang sổ đỏ của gia đình mình đi vay được 100 triệu đồng để đầu tư nguyên liệu tiếp tục hoạt động, tạo công ăn việc làm cho các xã viên.
Còn ông Phan Văn Giãn- Ban kiểm tra HTX Rau an toàn Thành Đạt (khu phố 2, thị trấn Châu Thành) cho biết, HTX có 20 xã viên, hiện rất cần vốn để mở cửa hàng rau sạch tại thị trấn Châu Thành, để quảng bá nhãn hiệu rau an toàn, ổn định đầu ra sản phẩm cho các xã viên. Tuy nhiên, do không đáp ứng được điều kiện phía ngân hàng nên HTX khó tiếp cận vốn tín dụng. HTX đã phải huy động vốn từ các thành viên với lãi suất cao hơn lãi suất của ngân hàng. Nguồn vốn này không ổn định vì xã viên có thể rút vốn bất cứ lúc nào. Việc không tiếp cận được nguồn tín dụng khiến HTX gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đối với HTX rau an toàn xã Trường Tây, huyện Hoà Thành, trước đây HTX hoạt động khó khăn vì thiếu vốn để đầu tư máy móc phục vụ sản xuất, nhưng không vay được vốn từ ngân hàng. Có lần, HTX có ý định xin giải thể, các xã viên cố gắng vực dậy bằng sức mình, nên đến nay HTX vẫn tồn tại, nhưng trong tình trạng hoạt động cầm chừng.
Cần có giải pháp tích cực
Cũng theo Liên minh HTX tỉnh, trong cơ chế chính sách vay vốn của ngân hàng đã có những điều khoản quy định cụ thể, HTX phải tìm cách đáp ứng thì mới mong vay được vốn. Bản thân lãnh đạo HTX phải có suy nghĩ đột phá, đổi mới, năng động, xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh khả thi với đầu ra ổn định. Khi thực hiện được những điều này, việc tiếp cận vốn của HTX sẽ dễ dàng hơn.
Chăm sóc rau tại HTX rau an toàn Thành Đạt,khu phố 2, thị trấn Châu Thành.
Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp chi nhánh huyện Hoà Thành cho hay, các HTX khó tiếp cận vốn vay là do phương án sản xuất, kinh doanh yếu, không đáp ứng được điều kiện của các ngân hàng, tài sản thế chấp hạn chế và hơn hết là hoạt động không bảo đảm cho thu hồi nợ.
Để tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của ngân hàng, bản thân HTX phải nỗ lực vươn lên, củng cố bộ máy điều hành, chuẩn bị yếu tố nhân sự, bảo đảm quản lý điều hành các hoạt động của HTX đúng quy định, nhất là công tác tài chính kế toán; xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, có tính khả thi cao, bảo đảm giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, các HTX phải có tài sản thế chấp như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các tài sản khác, đảm bảo niềm tin cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Giải quyết vấn đề vốn cho các HTX, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tây Ninh cho rằng, HTX, doanh nghiệp và các hộ kinh doanh cá thể đều có thể tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng với những điều kiện như nhau. Các HTX có hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp càng thuận lợi hơn khi được vay vốn tối đa 1 tỷ đồng không cần tài sản đảm bảo. Như vậy, điều quan trọng còn lại là chỉ cần HTX có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, báo cáo tài chính, quyết toán thuế đầy đủ, có vốn đối ứng với tỷ lệ cần thiết... thì ngân hàng sẽ xét duyệt cho vay.
Vừa qua, UBND tỉnh đã có kiến nghị với Bộ Tài chính hướng dẫn chính sách tiếp cận vốn và nội dung bảo lãnh tín dụng để tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp vay vốn. Đồng thời UBND tỉnh kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích các ngân hàng thương mại ưu tiên cho các HTX vay vốn.
UBND tỉnh cũng đề nghị các địa phương tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh lại Điều lệ tổ chức và hoạt động Quỹ hỗ trợ phát triển HTX theo hướng bổ sung đối tượng cho vay, hình thức vay vốn, điều kiện vay vốn đối với HTX, phù hợp hơn với tình hình thực tế của HTX.
THANH NHI