Kinh tế hợp tác, hợp tác xã là một bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế

Thứ ba - 15/01/2019 17:00 25 0

Kinh tế hợp tác, hợp tác xã là một bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế

Kinh tế hợp tác, hợp tác xã là một bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế nước ta, có vai trò và đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

205155_thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-lam-viec-voi-lien-minh-hop-tac-xa-viet-nam.jpg

Chiều 21/6/2018, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam về tình hình phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã hiện nay. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Chiều 21/6, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới làm việc với hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam về tình hình phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển kinh tế tập thể; đại diện các bộ ngành và Liên minh hợp tác xã các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Kinh tế hợp tác, hợp tác xã là một bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế nước ta, có vai trò và đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và được khẳng định trong các Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, như: Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ V, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX; Kết luận của Bộ Chính trị số 56-KL/TW ngày 21/2/2013; Luật Hợp tác xã năm 2012 và hệ thống các văn bản, nghị quyết liên quan.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam có 93 triệu dân, gần 10 triệu hộ gia đình sống ở địa bàn nông thôn, hơn 4 triệu hộ cá thể sống ở đô thị có nhu cầu liên kết và hợp tác theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã để sản xuất và giải quyết nhu cầu của đời sống.

Kinh tế hợp tác, hợp tác xã ngày càng phát triển, là phương thức tổ chức hoạt động kinh tế, đời sống xã hội văn minh, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế bao trùm, kinh tế chia sẻ; các thành viên trong xã hội đều được hưởng lợi, không ai bị bỏ lại phía sau. Do vậy, kinh tế hợp tác, hợp tác xã là phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp nhu cầu của người dân.

Bên cạnh những kết quả khu vực hợp tác xã đã đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế để có giải pháp phát triển như nhận thức của một bộ phận người dân và đội ngũ cán bộ hệ thống chính trị về kinh tế hợp tác, hợp tác xã còn hạn chế, còn mặc cảm với tồn tại yếu kém của mô hình hợp tác xã kiểu cũ, lòng tin đối với hợp tác xã kiểu mới chưa cao.

Cùng với đó, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hợp tác xã đã được ban hành nhưng thiếu đồng bộ, thiếu cụ thể, còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với nhu cầu thực tế của hợp tác xã; phân bổ theo cơ chế "xin cho"; kinh phí của trung ương và địa phương bố trí để hỗ trợ còn ít, phân tán ở nhiều kênh, nhiều chương trình.

Ngoài ra, quản lý Nhà nước đối với kinh tế hợp tác, hợp tác xã còn nhiều bất cập, hạn chế và chưa được quan tâm đúng mức so với doanh nghiệp.

Mặt khác, tiềm năng và lợi thế của các địa phương, vùng kinh tế rất lớn nhưng kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển chưa tương xứng, xây dựng mô hình hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị gặp nhiều khó khăn, trở ngại; cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa đang xuống cấp, chưa đáp ứng sản xuất  qui mô lớn và áp dụng công nghệ cao.

Đáng lưu ý, phần lớn các hợp tác xã qui mô nhỏ, năng lực tài chính yếu và thiếu minh bạch, cơ sở vật chất còn nghèo, năng lực cạnh tranh yếu, hạn chế về khả năng huy động nguồn lực từ thị trường để đầu tư, sản xuất, kinh doanh, chưa thoát khỏi tình trạng yếu kém đã tồn tại trong thời gian dài. Hơn nữa, thu nhập của phần lớn lao động trong khu vực nông nghiệp thấp, thiếu ổn định.

Đặc biệt, hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chưa làm tốt chức năng đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên, chưa nhận thức đầy đủ và khai thác lợi thế liên kết hệ thống từ Trung ương đến địa phương trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và cung ứng dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hợp tác xã; chưa có khả năng huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ thành viên.

Một số Liên minh hợp tác xã tỉnh, thành phố chưa sâu sát cơ sở; chưa chú trọng xây dựng, tổng kết và nhân rộng các mô hình hợp tác xã hoạt động có hiệu quả; chưa xây dựng được nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị; còn 4% tổng số hợp tác xã chưa đăng ký hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Liên minh hợp tác xã Việt Nam nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu tối đa để thực hiện tốt được trọng trách được giao và tăng cường tuyên truyền, tập huấn về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hợp tác xã, nâng cao nhận thức và tư duy về phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã.

Bên cạnh đó, nâng cao vai trò và lợi ích của tổ chức hợp tác xã trong phát triển kinh tế - xã hội với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; xây dựng các mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Thủ tướng cũng yêu cầu tổng kết và nhân rộng mô hình các hợp tác xã điển hình tiên tiến gắn với các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp nói riêng.

Mặt khác, tiếp tục theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định trong Luật Hợp tác xã; nghiên cứu, đề xuất giải pháp khắc phục những bất cập trong các quy định tại Luật Hợp tác xã 2012 (như công nợ, tỷ lệ vốn góp, thủ tục giải thể bắt buộc, chế tài xử lý vi phạm pháp Luật ...).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, thực hiện có hiệu quả chương trình hành động cụ thể triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018.

Hơn nữa, tăng cường và nâng cao hiệu quả chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên. Đặc biệt, giám sát hoạt động của các hợp tác xã thành viên theo qui định của pháp luật về hợp tác xã, hỗ trợ kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về hợp tác xã.

Thủ tướng cũng lưu ý đẩy mạnh và đổi mới tuyên truyền chủ trương và chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển hợp tác xã, lợi ích của hợp tác xã mang lại cho các thành viên. Cùng đó, tổng kết và nhân rộng các mô hình hợp tác xã hoạt động có hiệu quả  nhằm nâng cao nhận thức của người dân và các cấp, các ngành về hợp tác xã kiểu mới; đẩy mạnh truyền thông về hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị.

Ngoài ra, tham gia rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chính sách ưu đãi hỗ trợ hợp tác xã và Liên minh hợp tác xã theo Điều 6 - Luật Hợp tác xã 2012; xây dựng và triển khai Đề án giải thể các hợp tác xã yếu kém, ngừng hoạt động.

Đặc biệt, tập trung đầu tư nâng cao năng lực hỗ trợ, tư vấn và cung ứng dịch vụ theo nhu cầu của các hợp tác xã. Báo cáo Chính phủ Đề án đổi mới mô hình Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã để tăng khả năng huy động nguồn lực từ thị trường để cho vay hợp tác xã có năng lực sản xuất kinh doanh có hiệu quả…

205214_thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-lam-viec-voi-lien-minh-hop-tac-xa-viet-nam.jpg

Chiều 21/6/2018, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam về tình hình phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã hiện nay. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Riêng với các Bộ ngành và địa phương, Thủ tướng đề nghị cần khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ cụ thể Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/5/2018; xử lý theo thẩm quyền các kiến nghị của Liên minh Hợp tác xã.

Ngoài ra, các Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ cụ thể Thủ tướng Chính phủ đã giao tại Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/5/2018; xử lý theo thẩm quyền các kiến nghị của Liên minh hợp tác xã.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 895 hợp tác xã được thành lập mới, đạt 40% so với kế hoạch cả năm 2018. Có 220 hợp tác xã yếu kém phải giải thể, trong số các hợp tác xã mới ra đời thì 80% là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo, mặc dù vẫn có nhiều hợp tác xã phải giải thể do hoạt động kém hiệu quả, nhưng hiện nay các mô hình hợp tác xã kiểu mới đang là một xu thế phát triển, nhiều hộ sản xuất có nhu cầu liên kết, thành lập các hợp tác xã trước yêu cầu cấp thiết về mở rộng thị trường, hình thành các chuỗi sản xuất - tiêu thụ, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá tập trung, đáp ứng thị trường.

Cùng đó, chính sách phát triển hợp tác xã và kinh tế hợp tác được Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt thông qua Quyết định số 461/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22.5.2018 về việc phê duyệt Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả./.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay1,159
  • Tháng hiện tại8,085
  • Tổng lượt truy cập348,754
hộp thư điện tử
Lịch công tác
cổng thông tin điện tử Tây Ninh
cải cách hành chính
công báo
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây