Hiện nay, kinh tế hợp tác, mà phổ biến nhất là hình thức HTX, đã và đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Với một nước có lợi thế về phát triển nông nghiệp như Việt Nam, việc xây dựng HTX là một trong những yếu tố quyết định để đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển trong giai đoạn mới. Đặc biệt, thông qua HTX giúp các hộ nông dân, các doanh nghiệp nhỏ hợp tác với nhau, tăng sức mạnh để đối phó với khó khăn và tránh các nguy cơ thua lỗ cao.
Ảnh minh họa, nguồn: internet
Theo Liên minh HTX Việt Nam, tính đến nay, cả nước có hơn 20.000 HTX đang hoạt động. Đặc biệt, sau gần 5 năm thực hiện Luật HTX năm 2012, tình hình phát triển HTX nông nghiệp đã có những chuyển biến bước đầu, số HTX nông nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng. Năm 2017, đã có 38% tổng số HTX làm ăn có hiệu quả trong khi năm 2012 chỉ có 10%. Số HTX mới được thành lập trong năm 2017 cũng đạt hơn 2.200 HTX.
Bên cạnh việc phát triển của các HTX, thì vẫn còn tồn tại nhiều HTX giải thể hoặc làm ăn chưa hiệu quả. Một trong những nguyên nhân chính được các chuyên gia trong ngành đúc rút ra đó là các HTX gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ.
Đổi mới hoạt động – tăng cường liên kết
Là HTX nông nghiệp đầu tiên được chứng nhận VietGap cho trái xoài từ năm 2010 và hiện đang xuất khẩu đi một số thị trường nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc HTX Xoài Suối Lớn cho rằng, trước diễn biến cạnh tranh ngày càng gay gắt từ thị trường, muốn tồn tại, các HTX cần phải đổi mới, và có chiến lược phù hợp.
Về thị trường xuất khẩu, ông Bảo cho biết, để xuất khẩu được sang các thị trường khó tính, HTX cần phải hợp tác chặt chẽ với DN xuất khẩu, từ đó 2 bên sẽ cùng phối hợp nhằm đáp ứng các vấn đề kỹ thuật, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã đẹp để cạnh tranh được với hàng cùng loại của các nước khác. Vấn đề mà ông Bảo trăn trở hiện nay là công nghệ bảo quản và chế biến đối với các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam còn lạc hậu, điều này làm giảm giá trị sản phẩm.
Bên cạnh việc tự các HTX phải đổi mới, thích ứng với thị trường, theo các chuyên gia, việc tăng cường liên kết giữa các HTX, nhất là các HTX lớn, chuyên nghiệp với các HTX nhỏ là một yếu tố rất quan trọng, mà mô hình phát triển của Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op - nhà bán lẻ lớn nhất tại Việt Nam) là một điển hình.
Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, cho biết Saigon Co.op đã chủ trương liên kết, hợp tác, hỗ trợ ứng vốn trước cho các tổ chức, HTX tại các tỉnh, thành phố khu vực phía nam, tiêu thụ các mặt hàng rau, trái cây, thủy sản… với sản lượng doanh thu tăng trưởng 10-15%/năm.
Để phát triển HTX trong giai đoạn hội nhập và cạnh tranh như hiện nay, Saigon Co.op kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước có chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả hơn về thuế, nguồn vốn ưu đãi với các DN Việt, đặc biệt là các DNNVV, HTX.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách rõ ràng hơn trong việc quản lý, kiểm soát chất lượng hàng hóa, bởi hiện nay các thủ tục kiểm soát chất lượng hàng hóa còn phức tạp, chồng chéo; cơ chế quản lý xuất xứ hàng hóa cần minh bạch, rõ ràng hơn. Các nhà hàng, nơi kinh doanh có điều kiện, phải sử dụng hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ.
Định hướng thị trường cho sản phẩm
Nói về việc phát triển HTX ở Việt Nam hiện nay, TS. Võ Mai, chuyên gia trong ngành nông nghiệp cho rằng, ở một số nơi việc thành lập HTX thường theo số lượng, còn HTX đó hoạt động như thế nào, hiệu quả ra sao thì lại chưa được chú trọng.
Muốn HTX hoạt động hiệu quả, phải có tiêu chuẩn, tổ chức chặt chẽ, có sự chuẩn bị tốt mà trước tiên phải tìm được người đứng đầu, tức giám đốc HTX phải là người có trình độ. Hiện nay ở Việt Nam có trường cán bộ quản lý nông nghiệp đào tạo giám đốc HTX, do đó trước khi thành lập HTX, chính quyền địa phương phải cử người đi học, để nâng cao trình độ, sau đó về địa phương tham gia Ban lãnh đạo HTX.
Bên cạnh đó, theo TS. Võ Mai, vấn đề phát triển thị trường, tạo đầu ra cho sản phẩm của các HTX là rất quan trọng. Theo kinh nghiệm của một số nước, Bộ Công Thương phải đặt hàng Bộ NN&PTNT chứ không phải Bộ NN&PTNT cứ chỉ đạo gieo trồng mà sau đó không có đầu ra cho sản phẩm, dẫn đến tình trạng “được mùa, mất giá”.
Bên cạnh yếu tố quản trị HTX cũng như định hướng thị trường, một vấn đề khó khăn hiện nay mà các HTX gặp phải đó là vốn, việc tiếp cận tín dụng của các HTX vẫn gặp nhiều điểm nghẽn. Nguyên nhân chính là do các HTX mô hình hoạt động thường nhỏ, thiếu tài sản thế chấp, năng lực quản trị kém và hơn cả là tâm lý “e ngại” với HTX của các tổ chức tín dụng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cơ chế hỗ trợ vốn cho các HTX cần có quy định “mở” và rõ ràng hơn. Trong đó, nên bổ sung tới việc cho vay các thành viên của HTX bởi phát triển thành viên cũng là yếu tố quan trọng để phát triển HTX.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020.
Theo kế hoạch, Đề án sẽ tiến hành củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp đã được đánh giá là có hiệu quả; tập trung triển khai các mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, lựa chọn các ngành hàng chủ lực của quốc gia và địa phương để thúc đẩy việc thành lập hợp tác xã chuyên ngành nhằm tổ chức lại sản xuất trong từng ngành hàng.
Theo Baochinhphu.vn