BTN - Ðể đạt được tiêu chuẩn thì toàn bộ diện tích sản xuất của HTX đều có chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nông sản đến tay người tiêu dùng qua sự kiểm soát chặt chẽ của đội ngũ Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh.
Sản xuất rau an toàn trong nhà lưới.
Xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn giữa tỉnh Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh nhằm kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu như: trồng trọt, chăn nuôi, thu hoạch, đánh bắt, khai thác đến cơ sở sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hợp tác, kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn.
Việc xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn đem lại những hiệu quả thiết thực. Ông Nguyễn Thanh Bình- Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX rau an toàn Long Mỹ (thị xã Hoà Thành) cho biết, khi tham gia vào chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn với Thành phố Hồ Chí Minh, nông sản an toàn của HTX có thể đi vào hệ thống siêu thị, nhà hàng, bếp ăn ở Thành phố.
Ðể đạt được tiêu chuẩn thì toàn bộ diện tích sản xuất của HTX đều có chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nông sản đến tay người tiêu dùng qua sự kiểm soát chặt chẽ của đội ngũ Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh. Với quy trình kiểm soát chất lượng từ nơi trồng đến nhập kho, bày bán trên kệ một cách khép kín, khách hàng có thể yên tâm về chất lượng của các sản phẩm rau, củ, quả.
Ông Nguyễn Văn Nghiệp- Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nhà (thị xã Hoà Thành) cho biết, HTX mong muốn tham gia chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn giữa Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh, để thực phẩm an toàn của HTX sẽ được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến.
Ðể làm được điều đó, HTX liên kết và xây dựng cửa hàng đủ năng lực cung ứng thực phẩm đến tay người tiêu dùng, bảo đảm đa dạng về chủng loại, số lượng, chất lượng, giá cả ổn định. Ngoài sản xuất, kinh doanh, HTX còn bao tiêu sản phẩm, giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người nông dân.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đối với cơ sở và người sản xuất, khi tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, ngành nông nghiệp sẽ hỗ trợ ký kết tiêu thụ sản phẩm, liên kết xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn giữa các đối tác tham gia; đào tạo, tập huấn về kiến thức quản lý chuỗi, kiến thức an toàn thực phẩm cho cơ sở tham gia chuỗi; hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản xây dựng các chuỗi cung cấp nông sản, thực phẩm an toàn; tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất tìm đầu ra, các sản phẩm được sản xuất theo quy trình VietGAP, VietGAHP, GAP, GlobalGAP.
Ðồng thời, ngành nông nghiệp giới thiệu, cung cấp thông tin về các cơ sở sản xuất, cung cấp nông sản, thực phẩm an toàn cho hệ thống siêu thị, bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn tại Thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó, các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm hoàn thiện các thủ tục, thực hiện quy định truy xuất nguồn gốc, giám sát an toàn thực phẩm để đưa nông sản, thực phẩm an toàn vào tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Sơ chế mãng cầu.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đơn vị sẽ cung cấp thông tin về các cơ sở chăn nuôi, thuỷ sản đạt tiêu chuẩn VietGAHP, GlobalGAP, an toàn dịch bệnh, các cơ sở giết mổ được chứng nhận an toàn thực phẩm, HACCP... để Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu, mời gọi hệ thống siêu thị, bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn tại Thành phố liên kết tiêu thụ.
Ðồng thời, hỗ trợ các cơ sở sản chăn nuôi, giết mổ hoàn thiện các thủ tục, thực hiện quy định truy xuất nguồn gốc, giám sát an toàn dịch bệnh để đưa động vật, sản phẩm có nguồn gốc động vật an toàn vào tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cung cấp thông tin về các cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm có nguồn gốc thực vật theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đủ điều kiện an toàn thực phẩm và giới thiệu các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông sản có nguồn gốc thực vật tham gia chợ phiên nông sản an toàn, hội chợ nông sản an toàn tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Sở NN&PTNT, thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp cùng địa phương, các đơn vị có liên quan để thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Trong đó, chú ý đẩy mạnh hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm an toàn thực phẩm và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến.
Ðể chương trình phối hợp chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn giữa Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh được nhân rộng, ngành nông nghiệp yêu cầu các HTX, nông dân phát huy vai trò trong việc ứng dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn để có sản phẩm tốt.
Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất cần đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin phát triển thị trường; triển khai các chương trình để thúc đẩy việc sản xuất những sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, có thể truy xuất nguồn gốc, có thương hiệu trên địa bàn tỉnh.
Theo Nhi Trần(baotayninh)
Giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp từng bước nâng thị phần, sản lượng nông sản, thực phẩm an toàn của Tây Ninh về tiêu thụ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; xây dựng, tạo mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn được ổn định, bền vững, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Tăng sản lượng tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn từ cơ sở sản xuất, kinh doanh bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm (sản xuất theo quy trình VietGAP, VietGAHP, GlobalGAP...) của tỉnh được tiêu thụ tại các siêu thị, chợ đầu mối và các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống tại bếp ăn tập thể, trường học, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn… của Thành phố Hồ Chí Minh.
Phấn đấu đến năm 2025, các nông sản, thực phẩm chủ lực của Tây Ninh tiêu thụ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi.
Ý kiến bạn đọc