Phát huy vai trò của Luật Hợp tác xã năm 2012 trong phát triển kinh tế tập thể

Thứ sáu - 29/10/2021 23:00 36 0

Phát huy vai trò của Luật Hợp tác xã năm 2012 trong phát triển kinh tế tập thể

Kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, mà nòng cốt là hợp tác xã, dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể, liên kết rộng rãi những người lao động, các hộ sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các thành phần kinh tế, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Trong đổi mới, kinh tế hộ nông dân có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, góp phần đưa nước ta trở thành một quốc gia xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, kinh tế hộ nông dân đang có tình trạng hoạt động đơn lẻ trên thị trường, cạnh tranh gay gắt lẫn nhau từ dịch vụ đầu vào đến đầu ra. Quy mô sản xuất hàng hóa nhỏ hoặc rất nhỏ; kiến thức, kinh nghiệm, phương thức kinh doanh yếu, thiếu vốn, thiếu sự hợp tác gắn bó lẫn nhau vì thế rất yếu thế trên thị trường; phần nhiều hộ nông dân phải bán nông sản thô, chưa được chế biến để có giá trị gia tăng cao hơn. Vì vậy, kinh tế tập thể có vai trò rất quan trọng để khắc phục, hạn chế những yếu kém này. Trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế tập thể là con đường liên kết tự nguyện các hộ nông dân với quy mô sản xuất nhỏ, lẻ, manh mún theo hướng mở rộng về quy mô, tích tụ, tập trung ruộng đất và các tư liệu sản xuất, tạo thuận lợi cho áp dụng máy móc, khoa học, công nghệ và quản lý tiên tiến vào sản xuất - kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Thành viên kinh tế tập thể bao gồm các thể nhân và pháp nhân, cả người ít vốn và nhiều vốn, cùng góp vốn và góp sức trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng cùng có lợi và quản lý dân chủ. Chế độ phân phối thực hiện theo lao động, theo vốn góp và mức độ tham gia dịch vụ; hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể đề ra nhiệm vụ củng cố những tổ hợp tác và hợp tác xã hiện có, tiếp tục phát triển rộng rãi kinh tế hợp tác xã với nhiều hình thức, quy mô, trình độ khác nhau trong các ngành, lĩnh vực địa bàn có điều kiện. Thực hiện tinh thần Nghị quyết và nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sự phát triển của kinh tế tập thể, Luật Hợp tác xã (Luật số 23/2012/QH13) đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 20-11-2012.

Luật Hợp tác xã năm 2012 khắc phục được những bất cập, hạn chế của mô hình hợp tác xã kiểu cũ, đề ra yêu cầu liên kết tự nguyện của các hộ thành viên theo nhu cầu hợp tác sản xuất - kinh doanh. Rõ ràng, muốn xây dựng thương hiệu nông sản, vươn ra chiếm lĩnh thị trường, các hộ nông dân phải kết hợp với nhau thành một pháp nhân. Hợp tác xã sẽ có năng lực đàm phán gia nhập thị trường cao hơn và hiệu quả hơn so với từng hộ nông dân riêng lẻ. Mặt khác, hợp tác xã cũng đóng vai trò bảo vệ quyền lợi cho hộ nông dân khi tham gia chuỗi giá trị hàng nông sản. Ngoài ra, hợp tác xã còn có thể hỗ trợ về kỹ thuật cho các xã viên, nhằm đảm bảo sản xuất kinh doanh ổn định. Triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã, phương châm đề ra là tránh duy ý chí, nóng vội, gò ép, áp đặt; phải căn cứ từ nhu cầu kinh tế của sự hợp tác, từ sự phát triển của sản xuất, trình độ sản xuất tới đâu thì mô hình tổ chức sản xuất tương ứng tới đó; xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, từ thấp đến cao, đạt hiệu quả thiết thực; đồng thời, không buông lỏng lãnh đạo, quản lý để mặc cho phát triển tự phát, chậm nắm bắt và đáp ứng nhu cầu về phát triển kinh tế hợp tác của nông dân.

Như vậy, hợp tác xã kiểu mới (thành lập theo Luật Hợp tác xã năm 2012) và hợp tác xã kiểu cũ (thành lập trước khi có Luật) khác nhau cả về tính chất, mục tiêu, sở hữu tài sản, cũng như mối quan hệ giữa thành viên trong hợp tác xã. Trong hợp tác xã kiểu cũ, xã viên góp vốn vào hợp tác xã, lúc đó chỉ có quan hệ giữa hợp tác xã và xã viên, không còn tồn tại kinh tế hộ, tức là phủ định kinh tế hộ gia đình. Ở hợp tác xã kiểu cũ, tất cả các thành viên trong hợp tác xã đều cùng hưởng, chia sẻ lợi ích như nhau. Trong khi đó, hợp tác xã kiểu mới chỉ là những tổ chức trên cơ sở liên kết của cá nhân, hộ gia đình, cung cấp các dịch vụ đầu vào và dịch vụ đầu ra, các khâu của quá trình sản xuất, do đó không làm mất đi, hay triệt tiêu kinh tế hộ. Trong hợp tác xã kiểu mới, tài sản, vốn liếng, đất đai vẫn là thuộc về xã viên (nay là thành viên), hợp tác xã chỉ cung cấp dịch vụ đầu vào và đầu ra.

Hiệu quả kinh tế của hợp tác xã kiểu cũ và kiểu mới cũng khác nhau. Hợp tác xã kiểu mới không chỉ đánh giá hiệu quả của các thành viên như thế nào mà còn đánh giá kinh tế tập thể làm gia tăng cái gì cho các hộ nông dân. Từ vị thế của hợp tác xã, làm cho vị thế của thành viên và hộ gia đình, người nông dân có vị thế trong quan hệ liên kết kể cả đầu vào và đầu ra. Nếu từng hộ gia đình, từng thành viên không đủ tiềm lực, không đủ sức trong việc liên kết sản xuất - kinh doanh, thì hợp tác xã chính là tổ chức làm được những việc đó.

Phát triển hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012

Triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, có hai nhiệm vụ được thực hiện song song, đó là thành lập các hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012 và chuyển đổi các hợp tác xã kiểu cũ thành các hợp tác xã kiểu mới. Theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, lộ trình sẽ được chia ra làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 2015-2016: Tập trung tái cấu trúc tổ chức, hoạt động của tất cả hợp tác xã nông nghiệp kiểu cũ theo Luật Hợp tác xã năm 2012 trên phạm vi cả nước. Thành lập mỗi tỉnh từ 3 đến 5 mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu về dịch vụ của thành viên. Giai đoạn 2017-2020: Mỗi tỉnh, thành phố thành lập được 28-30 hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới hoạt động hiệu quả.

Sau khi Luật Hợp tác xã và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật được ban hành, kinh tế tập thể, mà chủ yếu là các hợp tác xã và tổ hợp tác đã có sự phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải,… Các địa phương đã hướng dẫn và bổ sung các chủ trương, cơ chế, chính sách đặc thù và tổ chức chỉ đạo thực hiện quyết liệt Luật Hợp tác xã và đã đạt kết quả nhất định trong đăng ký lại, giải thể, thành lập mới, nâng cao hiệu quả các hợp tác xã. Khuyến khích và tạo điều kiện cho hộ nông dân "dồn điền, đổi thửa", tập trung ruộng đất để phát triển sản xuất hàng hóa, mở mang ngành nghề. Các ngành, các địa phương chủ động xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và nghiệp vụ cho khu vực kinh tế tập thể. Nhà nước hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho hợp tác xã. Ngoài ra, các địa phương cũng quan tâm, có chính sách thu hút cán bộ quản lý và khoa học kỹ thuật về công tác tại hợp tác xã.

Nhà nước hỗ trợ kinh tế tập thể ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ, nhất là giống, công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản, chế biến, công nghệ thông tin,... qua hoạt động của hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công; khuyến khích các cơ quan nghiên cứu khoa học - công nghệ liên kết với hợp tác xã, chuyển giao các thành tựu khoa học - công nghệ mới cho hợp tác xã, nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới, khai thác và sử dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước; khuyến khích xây dựng các cơ sở chế biến nông, lâm, thuỷ sản, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát triển làng nghề... ở nông thôn; hướng dẫn và giúp đỡ các tổ hợp tác, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp đổi mới công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh. Các ngành, các địa phương, các hiệp hội ngành nghề và liên minh hợp tác xã hỗ trợ xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin, tìm kiếm thị trường cho các hộ, tổ hợp tác và hợp tác xã; tổ chức các hình thức giới thiệu sản phẩm ở trong và ngoài nước phù hợp với trình độ hiện tại và xu thế phát triển của kinh tế tập thể.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, trên toàn quốc có hơn 19.500 hợp tác xã, tăng gần 600 hợp tác xã, thu hút trên 6,2 triệu thành viên tham gia (giảm gần 1,4 triệu thành viên), tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Hồng và hơn một nửa là các hợp tác xã nông nghiệp. Trong giai đoạn 2013- 2016 cả nước đã thành lập mới 5.641 hợp tác xã. Tuy số lượng hợp tác xã không tăng nhiều và có xu hướng chững lại trong năm 2015, 2016, nhưng hoạt động đã đi vào thực chất, số hợp tác xã thành lập mới hoạt động về cơ bản đúng theo luật và có hiệu quả. Doanh thu bình quân của một hợp tác xã năm 2016 đạt 3 tỷ đồng, tăng gần 500 triệu đồng so với thời điểm năm 2012, nhiều hợp tác xã đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong hợp tác xã tăng 10 triệu đồng, lên mức 31 triệu đồng/người/năm.

Sau chuyển đổi, đăng ký lại, nhiều hợp tác xã đã tổ chức lại bộ máy quản lý, điều hành tinh giản, gọn nhẹ. Công tác quản lý tài chính, tài sản từng bước đi vào nề nếp. Ngoài việc thực hiện được các dịch vụ thiết yếu, một số hợp tác xã đã hỗ trợ cho các thành viên áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và bao tiêu các sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Một số hợp tác xã đã thực hiện liên kết với các doanh nghiệp để tham gia vào các chương trình sản xuất công nghệ cao, sạch, an toàn để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho thành viên, tăng đầu tư, tích lũy cho hợp tác xã.

Nhiều mô hình hợp tác xã ra đời và phát triển trong những năm qua, khẳng định được uy tín, thương hiệu, tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ trong nước và quốc tế, mang lại việc làm, thu nhập và hiệu quả kinh tế cao cho các thành viên. Ngoài việc phát triển kinh tế, hợp tác xã còn tham gia an sinh xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp.

Khắc phục những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục phát triển hợp tác xã

Bên cạnh một số kết quả bước đầu, quá trình thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 cũng bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần khắc phục.

Trước hết, công tác tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực kinh tế tập thể và Luật Hợp tác xã năm 2012 ở một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở chưa được quan tâm đúng mức. Thực tiễn cho thấy nơi nào chính quyền địa phương quan tâm thì nơi đó hợp tác xã phát triển tốt và ngược lại. Ở nhiều nơi, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền về vai trò của kinh tế tập thể còn hạn chế, vẫn còn nắm “lơ mơ” về hợp tác xã kiểu mới và còn băn khoăn khi chưa biết truyền thông thế nào về hợp tác xã kiểu mới; chưa thấy rõ sự thay đổi từ bản chất của mô hình hợp tác xã kiểu mới so với hợp tác xã kiểu cũ, không thấy rằng kinh tế hộ gia đình không những không bị “thui chột, mất động lực” khi tham gia vào hợp tác xã mà hợp tác xã kiểu mới còn làm gia tăng giá trị kinh tế của hộ gia đình”. Chưa thông suốt về nhận thức dẫn đến tình trạng nhiều nơi chính quyền cấp xã, ban lãnh đạo thôn can thiệp sâu vào nội bộ hợp tác xã, từ đó làm mất tính tự chủ của hợp tác xã hoặc buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo cũng như động viên, khuyến khích sự ra đời và phát triển của hợp tác xã. Hoạt động điều hành hợp tác xã ở một số địa phương còn mang tính chất “hành chính hóa”, trưởng thôn trực tiếp điều hành hợp tác xã, một số thành viên tham gia không góp vốn điều lệ, thiếu trách nhiệm với hợp tác xã.

Quản lý nhà nước đối với hợp tác xã cũng còn nhiều bất cập, đang phân tán, chưa thống nhất tập trung quản lý từ trung ương đến địa phương; cơ chế, chính sách khuyến khích thành lập và hoạt động của hợp tác xã vừa chậm, vừa yếu, vừa thiếu đồng bộ. Các nút thắt đối với sự phát triển hợp tác xã là đất đai, tiếp cận nguồn vốn tín dụng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đặc biệt là thị trường chưa có phương án giải quyết phù hợp.

Một trong những khó khăn của hợp tác xã nông nghiệp là tiềm lực kinh tế, tài chính và tiếp cận tín dụng. Theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, qua khảo sát 5.364 hợp tác xã thì vốn bình quân một hợp tác xã chỉ hơn 1,45 tỷ đồng, nhưng chủ yếu nằm ở tài sản cố định (chiếm tỷ lệ 67,6%). Tài sản cố định của hợp tác xã có giá trị lớn là các công trình điện và hệ thống thủy lợi, các loại máy móc; cơ sở sản xuất và chế biến hầu như chưa có. Vốn góp bình quân một hợp tác xã khoảng 56 triệu đồng; vốn lưu động bình quân của một hợp tác xã khoảng 160 triệu đồng. Với quy mô, tiềm lực tài chính như vậy, rất khó cho các hợp tác xã trong việc chủ động hoạt động sản xuất, kinh doanh. Quy mô và phạm vi hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp phổ biến là theo địa bàn xã, thị trấn, còn ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ phổ biến quy mô theo ấp, thôn và quy mô liên thôn. Trong tổng số 4.776 hợp tác xã khảo sát, có 1.635 hợp tác xã quy mô xã (chiếm 34,23%), 1.011 hợp tác xã quy mô liên thôn (chiếm 21,16%), 1.377 hợp tác xã quy mô thôn, ấp (chiếm 28,83%).

Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng vì gắn liền với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Để tiếp tục phát huy vai trò của kinh tế tập thể, vai trò của Luật Hợp tác xã năm 2012 trong cuộc sống, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, cụ thể:

Nâng cao trách nhiệm chính trị của các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu ở mỗi bộ, ban, ngành trung ương, địa phương về phát triển hợp tác xã.

Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hợp tác xã với nhiều hình thức đa dạng, phong phú: Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tổ chức cuộc thi tìm hiểu về hợp tác xã, mở các chuyên mục về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức triển lãm, hội chợ giới thiệu các sản phẩm của hợp tác xã,...

Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện về cơ chế, chính sách cho hợp tác xã, tạo hành lang pháp lý bình đẳng giữa các thành phần kinh tế với hợp tác xã. Nghiên cứu, áp dụng một số cơ chế, chính sách riêng cho hợp tác xã, nhất là cơ chế chính sách về đất đai, vốn, hỗ trợ các dự án chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất, giải quyết vấn đề thị trường; sửa đổi các văn bản liên quan tạo lực đẩy cho hợp tác xã như Nghị định 55 (chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn), Nghị định 210 (chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp), xây dựng, ban hành Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp.

Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường chỉ đạo, thực hiện xây dựng các mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nhằm mục tiêu tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho thành viên. Thực thi các nhóm chính sách hỗ trợ, thúc đẩy để tạo lập môi trường cho các hợp tác xã kiểu mới phát triển. Tháo gỡ khó khăn đối với hệ thống chính sách về đất đai cho các hợp tác xã, chính sách tín dụng cho các mô hình, tập trung vào việc nâng định mức vay, đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ thủ tục cho vay; đồng thời phát huy vai trò của quỹ phát triển hợp tác xã, thực hiện các chính sách thu hút cán bộ trẻ, có trình độ về làm việc tại các hợp tác xã…

Đổi mới, kiện toàn quỹ hỗ trợ hợp tác xã từ trung ương đến địa phương; bổ sung vốn điều lệ cho quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; xây dựng mô hình thí điểm và tạo điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã tiếp cận các nguồn tín dụng thương mại, được vay vốn từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.


  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay122
  • Tháng hiện tại8,372
  • Tổng lượt truy cập349,041
hộp thư điện tử
Lịch công tác
cổng thông tin điện tử Tây Ninh
cải cách hành chính
công báo
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây