BTNO - Bí 'sợi mì' độc, lạ được một hợp tác xã ở Đà Lạt đưa vào sản xuất theo hướng hữu cơ, mỗi quả có giá 150.000 đồng song trồng bao nhiêu cũng không đủ hàng để bán.
Bí mì sợi được Hợp tác xã Vườn nhà Đà Lạt trồng 4 năm qua.
Chị Lương Thị Yến Vân - Giám đốc HTX Vườn nhà Đà Lạt cho biết chị vốn hay tìm hiểu những món lạ ở trên mạng. Cách đây 4 năm, trong một lần tình cờ, chị vào mạng Youtube và thấy có giống bí kéo ra được những sợi như sợi mì. Từ đó, chị lần tìm hạt giống và đem về Đà Lạt để trồng thử nghiệm và đã thành công.
Bí mì sợi có lớp vỏ thô cứng, màu xanh nhạt. Thoạt nhìn, loại quả này không có gì đặc biệt, với vẻ ngoài gần giống với các loại dưa quen thuộc. Tuy nhiên, bất ngờ lại nằm bên trong, khi được đem đi nấu chín, chúng có phần ruột đặc biệt, cấu tạo bởi rất nhiều sợi dài, mỏng giống như những sợi mì. Sợi bí có thể dùng để chế biến rất nhiều món ăn khác nhau như: mì Ý, sốt thịt, xào trứng,...
Bí sợi mì được ươm giống khoảng 20 ngày và sau 2,5 tháng là có thể thu hoạch.
Để phát triển diện tích trồng bí mì sợi, HTX của chị Vân đã liên kết với khoảng 50 hộ nông dân để trồng bí, nhà nhiều nhất là 4.000 m2, ít nhất là 1.000 m2.
"Bí sợi mì được ươm giống khoảng 20 ngày là có thể đưa ra trồng và sau 2,5 tháng có thể thu hoạch. Bí sợi mì cho thu hoạch liên tiếp trong 3 tháng. Bí mì sợi được trồng theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn khoa học và bền vững, hướng tới khách hàng chủ yếu là trẻ ăn dặm, người ăn kiêng và những bệnh nhân tiểu đường hạn chế ăn tinh bột. Bởi vậy, quy trình chăm sóc bí của HTX rất nghiêm ngặt, không sử dụng bất kỳ một loại thuốc hóa học nào, thay vào đó chỉ sử dụng đèn bẫy và miếng dán côn trùng để tránh bị sâu hại. Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường là hoàn toàn thuần hữu cơ, HTX yêu cầu tất cả các hộ dân chỉ sử dụng phân bón vi sinh", chị Vân chia sẻ.
Về những rủi ro do dịch bệnh, chị Vân cho biết, bí thường xuyên xuất hiện bệnh phấn trắng. Tuy nhiên, dịch bệnh này ít ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm nên không đáng lo ngại. “Có thể nhìn bằng mắt thường trên bề mặt lá, xuất hiện những bệnh như bệnh phấn trắng. Song chúng tôi vẫn không phun thuốc, không sử dụng phân bón hóa học để đảm bảo sản phẩm đưa ra cho thị trường là sạch” - chị Vân nói.
Mỗi ngày, HTX của chị Vân cung cấp ra thị trường khoảng 300 kg bí sợi mì.
Cũng theo chị Vân, mỗi ngày, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 300 kg bí sợi mì. Tuy nhiên hiện bí sợi mì chỉ được bán theo hợp đồng, chưa bán rộng rãi được ra ngoài vì sản lượng trồng ra chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trọng lượng mỗi quả thường đạt từ 1 - 1,5 kg và được bán với giá từ 130.000 - 170.000 đồng/quả.
"Mùa thu hoạch năm nay loại bí này lại trong tình trạng “cháy hàng” ngay tại vườn, thương lái tới tận vườn mua về, thậm chí dù đã bán hết nhưng vẫn rất nhiều đầu mối liên hệ hỏi mua", chị Vân thông tin.
Chị Hứa Thị Thanh Thảo (xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt) là một trong những hộ dân liên kết với HTX cho biết gia đình chị trồng bí sợi mì trong nhà lồng do HTX Vườn nhà Đà Lạt cung cấp giống. Loại bí sợi mì này khá dễ trồng, sử dụng toàn bộ phân hữu cơ do HTX yêu cầu.
Để trồng bí sợi mì mang lại hiệu quả, gia đình đã tiến hành trồng theo luống dài với hệ thống giàn lưới vuông góc với nền vườn. Đến thời điểm hiện tại, thu nhập từ bí sợi mì rất ổn định, giúp gia đình phát triển kinh tế.
Khi đem đi nấu chín, bí có phần ruột đặc biệt, cấu tạo bởi rất nhiều sợi dài, mỏng giống như những sợi mì.
Chị Vân cho biết bí sợi mì dễ trồng, hiệu quả kinh tế cao nên thời gian tới HTX sẽ mở rộng diện tích để đảm bảo nguồn hàng cung ứng ra thị trường. HTX cũng tập trung sản xuất hữu cơ để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
Nguồn VTC News
Ý kiến bạn đọc