Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Hoà: giúp xã viên sản xuất ổn định

Thứ hai - 26/06/2023 10:12 373 0
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Hoà: giúp xã viên sản xuất ổn định

BTN - Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Hoà (phường An Hoà, thị xã Trảng Bàng) được thành lập vào cuối năm 2018, tại ấp An Thới (nay là khu phố An Thới), có 54 thành viên, với diện tích hơn 105 ha đất trồng lúa và vốn điều lệ 500 triệu đồng.

Thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp An Hoà tham quan đồng lúa.

Với ngành nghề sản xuất giống lúa xác nhận, lúa thương phẩm; dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp; dịch vụ thu hoạch, vận chuyển và là đầu mối bao tiêu nông sản cho thành viên, từ khi thành lập đến nay, HTX dịch vụ nông nghiệp An Hoà luôn duy trì và hoạt động tốt. HTX góp phần tích cực trong việc giúp xã viên sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Hằng năm, HTX sản xuất và kinh doanh đều có lãi, các thành viên được chia lợi nhuận theo tỷ lệ góp vốn. Từ đó, HTX góp phần tăng thêm nguồn thu nhập và tạo được niềm tin đối với các thành viên.

Anh Trần Văn Thậm- Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp An Hoà cho biết, khu phố An Thới là khu vực nông thôn, vùng sông nước, ruộng ở đây mỗi năm chỉ làm được hai vụ lúa.

Trước đây, hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng chưa được nâng cấp, mở rộng, việc đi lại của người dân, nhất là việc vận chuyển hàng hoá nông sản còn gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi thu hoạch lúa phải thuê người dùng xe gắn máy chở lúa từ dưới ruộng lên bờ và đến điểm tập kết bán cho thương lái.

Trên địa bàn ấp có hơn 10 anh em chuyên làm dịch vụ vận chuyển lúa thuê bằng xe gắn máy. Thực hiện tiêu chí “Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn” theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, để phát triển kinh tế tập thể, lãnh đạo địa phương vận động và tạo điều kiện cho anh Thậm cùng với các anh em trong đội vận chuyển lúa thuê bằng xe gắn máy đứng ra vận động bà con nông dân trên địa bàn thành lập HTX.

Ngoài hơn 105 ha đất sản xuất lúa, HTX trang bị một máy gặt đập liên hợp; hai máy cù lúa bánh xích (loại xe vận chuyển lúa từ dưới ruộng lên bờ và đưa đến điểm tập kết- thay thế xe gắn máy), để làm dịch vụ thu hoạch và vận chuyển lúa.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên trong HTX từ khâu đầu tư sản xuất đến thu hoạch và an tâm trong tiêu thụ sản phẩm, Hội đồng quản trị HTX liên hệ và ký kết hợp đồng với hai công ty để cung ứng vật tư (lúa giống, phân bón) theo hình thức bán trả chậm (đến khi thu hoạch sản phẩm mới trả tiền), và thu mua toàn bộ sản phẩm của thành viên HTX với giá cả hợp lý.

Từ đó vào đầu vụ, nông dân không phải chạy lo lúa giống, không phải lo chạy tiền để mua phân bón, thuốc trừ sâu… như trước đây; đến khi thu hoạch lúa, không lo tình trạng treo trễ, vì kẹt máy phóng, nhất là không lo thương lái ép giá…

Không chỉ hợp đồng cung ứng vật tư cho các thành viên trong HTX, lãnh đạo HTX còn ký hợp đồng cung ứng vật tư cho nông dân ngoài HTX, với diện tích mỗi vụ hơn 100 ha. Về dịch vụ thu hoạch và vận chuyển lúa, ngoài các thành viên trong HTX, HTX còn nhận làm thêm cho nông dân không phải là thành viên HTX khi có nhu cầu. Từ đó, HTX góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 30 lao động ở địa phương, với thu nhập từ 10 đến 12 triệu đồng/người/tháng.

Về cách quản lý và điều hành HTX, anh Trần Văn Thậm cho biết thêm, để sản xuất và kinh doanh có hiệu quả, trước hết, Hội đồng quản trị luôn đoàn kết, thống nhất nhau trong công việc, tất cả vì lợi ích của HTX, của các thành viên. Thường vào đầu vụ trước khi xuống giống, Hội đồng quản trị mời một số thành viên HTX (những người có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất) họp bàn kế hoạch sản xuất.

Trước hết là chọn giống, cần trao đổi và thống nhất chọn loại giống nào có giá trị kinh tế cao; công ty nào có lúa giống tốt, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có uy tín trên thương trường để nông dân yên tâm sản xuất.

Cuối vụ họp sơ kết, đánh giá kết quả vụ qua. Cuối năm, Hội đồng quản trị họp tổng kết năm, mời hết các thành viên trong HTX tham dự, Hội đồng quản trị báo cáo tổng kết năm, thông báo lợi nhuận và chia lợi nhuận theo tỷ lệ góp vốn của từng thành viên. Chỉ tính khâu dịch vụ thu hoạch và vận chuyển lúa, mỗi năm HTX có lãi từ 160 triệu đồng đến 200 triệu đồng. 

Anh Thậm cho biết thêm, hướng tới HTX dịch vụ nông nghiệp An Hoà dự định mở rộng hơn nữa các dịch vụ nông nghiệp khác như làm đất, phun thuốc trừ sâu, cuốn rơm...

Tuy nhiên, hiện nay, HTX vẫn còn những khó khăn nhất định, mà trước mắt là thiếu vốn. HTX đang rất cần nguồn vốn để trang bị một máy xới làm đất; một máy cuốn rơm; một máy bay phun thuốc không người lái; xây dựng nhà xưởng, máy xay xát, đóng gói, kho chứa lúa, chứa rơm…

Hội đồng quản trị rất mong các cấp lãnh đạo, các ngành chức năng xem xét giúp đỡ tạo điều kiện cho HTX được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để HTX được phát triển ngày càng mạnh hơn, với đa dạng ngành nghề, giúp cho các thành viên HTX ngày càng nâng cao nguồn thu nhập. 

Anh Tống Hải Âu- Chủ tịch Hội Nông dân phường An Hoà cho biết, thời gian qua, Hội Nông dân phường cùng chính quyền địa phương luôn quan tâm đến hoạt động của HTX dịch vụ nông nghiệp.

Lãnh đạo Hội Nông dân phường phối hợp HTX nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các thành viên, kịp thời kiến nghị đến các cấp lãnh đạo, các ngành chức năng có chính sách hỗ trợ cho HTX phát triển.

Cụ thể, Hội Nông dân phường đã xem xét cho 13 thành viên trong HTX vay vốn ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ nông dân của Trung ương Hội để chăn nuôi bò sinh sản. Ngoài ra, Hội Nông dân phường cùng HTX còn liên kết với Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện các dự án nuôi cá rô đồng, cá lóc và thử nghiệm nuôi cá chạch lấu…

Theo Chủ tịch Hội Nông dân phường An Hoà, anh Thậm luôn tâm huyết, dành nhiều thời gian lo cho công việc của HTX, luôn tạo được sự đoàn kết, niềm tin đối với các thành viên trong HTX. Nhờ vậy, HTX luôn duy trì hoạt động có hiệu quả. HTX tích cực đóng góp và tham gia các phong trào, các cuộc vận động do Hội Nông dân và chính quyền địa phương vận động. Nhiều năm qua, anh Thậm luôn đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Được biết từ năm 2018 đến nay, hằng năm, anh Thậm đều được tặng bằng khen của UBND tỉnh với thành tích: là hội viên tiêu biểu trong phong trào nông dân thi đua SXKD năm 2018; xuất sắc trong thi đua “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” năm 2019; điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2015-2020; điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2017-2021”; xuất sắc trong phong trào thi đua “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” năm 2022.

Hiện anh Trần Văn Thậm được các cấp Hội Nông dân Thị xã, tỉnh lập hồ sơ đề nghị Trung ương hội Nông dân Việt Nam xét tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023”.

Nguồn:baotayninh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập32
  • Hôm nay813
  • Tháng hiện tại7,739
  • Tổng lượt truy cập348,408
hộp thư điện tử
Lịch công tác
cổng thông tin điện tử Tây Ninh
cải cách hành chính
công báo
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây