Quan điểm của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là cần thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong Nghị quyết số 20-NQ/TW, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết: Dự án Luật Hợp tác xã 2012 sửa đổi đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến lần thứ 3 nên có rất nhiều đóng góp để hoàn thiện dự án Luật; trong đó Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề xuất giữ nguyên tên gọi là Luật Hợp tác xã thay vì đổi tên thành Luật Các Tổ chức Kinh tế hợp tác.
Ngoài ra, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng như đề xuất thêm các phương án về điều chỉnh tỷ lệ góp vốn, phân phối thu nhập và lợi nhuận, nguyên tắc sử dụng tài sản không chia, xây dựng thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã để làm cơ sở xây dựng pháp luật sau này thay vì đưa ngay vào Luật Hợp tác xã 2012 sửa đổi...
Theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, căn cứ Nghị quyết số 20-NQ/TW, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề nghị Ban soạn thảo thay cụm từ "Tổ chức kinh tế hợp tác bằng cụm từ "Tổ chức kinh tế tập thể". Tổ chức kinh tế tập thể bao gồm tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã...
Bởi theo quan điểm đề xuất sửa đổi Luật Hợp tác xã, lấy hợp tác xã là trung tâm để xây dựng khung pháp lý đối với các tổ chức kinh tế tập thể, các tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã... được xác định là hình thức phái sinh của hợp tác xã. Do đó, việc giữ nguyên tên gọi là Luật Hợp tác xã nhưng vẫn đảm bảo bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng đối với các tổ chức kinh tế tập thể là phù hợp.
Mặt khác, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng phạm vi điều chỉnh của Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định chưa thống nhất đối với các chủ thể thuộc khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Vì thế nên bổ sung quy định tổ hợp tác và các tổ chức kinh tế tập thể khác.
Ngoài ra, với mô hình liên đoàn hợp tác xã, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhấn mạnh cần nghiên cứu, xây dựng thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực chuyên ngành theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW, làm cơ sở để xây dựng pháp luật đối với liên đoàn hợp tác xã.
Riêng về việc điều chỉnh tỷ lệ góp vốn theo hình thức cổ phần, cụ thể đối với hợp tác xã thành lập mới, vốn góp của cá nhân, hộ gia đình, tổ chức do điều lệ hợp tác xã quy định theo hình thức vốn góp cổ phần.
Hơn nữa, với hợp tác xã đang hoạt động, Liên Minh Hợp tác xã Việt Nam đưa ra hai phương án gồm bỏ quy định chi tiết về tỷ lệ vốn góp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, thay vào đó, quy định cho đại hội thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tự quyết định mức tỷ lệ vốn góp tối đa, tối thiểu và được ghi trong Điều lệ; nâng mức tỷ lệ góp vốn điều lệ tối đa của thành viên đối với hợp tác xã lên 30%, đối với liên hiệp hợp tác xã lên 40% và quy định tỷ lệ góp vốn tối thiểu của thành viên.
Liên quan đến sửa Điều 59, quy định về phân phối thu nhập, lợi nhuận, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam góp ý việc trích lập quỹ đầu tư phát triển, tỷ lệ trích lập không dưới 10% trên thu nhập từ giao dịch với thành viên, tỷ lệ trích lập không dưới 20% trên thu nhập từ giao dịch ngoài thành viên; hoặc trích lập quỹ dự phòng tài chính với tỷ lệ không thấp hơn 3% trên thu nhập từ giao dịch với thành viên và không thấp hơn 5% trên thu nhập từ giao dịch ngoài thành viên…
Chia sẻ về hạn chế, bất cập nào kìm hãm sự phát triển của kinh tế tập thể cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn phát triển, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng: Luật Hợp tác xã năm 2012 được xây dựng trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2003 và bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng theo Nghị quyết số 13-NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Tuy nhiên, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số13-NQ/TW chưa được thể chế đầy đủ trong Luật Hợp tác xã năm 2012 và các văn bản thi hành Luật Hợp tác xã.
Cùng đó, một số quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 chồng chéo, chưa thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác như Luật các Tổ chức tín dụng; Luật Đất đai hay rất nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện không quy định hợp tác xã tham gia…
Chính sách và việc bố trí nguồn lực hỗ trợ cho kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa được chú trọng, kinh phí lồng ghép vào nhiều chương trình, nguồn lực hạn hẹp, thấp xa với nhu cầu hỗ trợ phát triển; hợp tác xã được thụ hưởng ở mức thấp so với tổng số hiện có.
Đáng lưu ý, quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 chủ yếu điều chỉnh về tổ chức, hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quy mô nhỏ, sản xuất phân tán, chưa điều chỉnh được toàn bộ về tổ chức, hoạt động của các mô hình hợp tác xã quy mô lớn, sản xuất tập trung trong một số lĩnh vực như công nhiệp, thương mại, dịch vụ, quỹ tín dụng nhân dân…
Qua rà soát có 55 nội dung được quy định trong Luật Hợp tác xã năm 2012 gây khó khăn, trở ngại đối với với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã như thủ tục đăng ký, tổ chức lại, chuyển đổi, sáp, nhập, chia tách, giải thể hợp tác xã; quy định tỷ lệ vốn góp của thành viên không quá 20% vốn điều lệ của hợp tác xã; 30% vốn điều lệ của liên hiệp hợp tác xã; hạn chế tỷ lệ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm cho thành viên, hợp tác xã thành viên và ra thị trường.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, quan điểm của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là cần thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong Nghị quyết số 20-NQ/TW, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Ngoài ra, tạo khung khổ pháp luật thuận lợi để hợp tác xã phát triển, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, lấy hợp tác xã là trung tâm; kế thừa tối đa quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 còn phù hợp và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam; khắc phục những tồn tại, bất cập của Luật Hợp tác xã năm 2012, tạo khung khổ pháp luật cụ thể cho tất cả các loại hình kinh tế tập thể hoạt động.
Hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tập thể phát triển nhanh, bền vững và bình đẳng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế bao trùm; sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, góp phần tích cực cho tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa và phát triển tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội.
Đặc biệt, sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 theo hướng đa dạng các hình thức liên kết, hợp tác và từng bước sáp nhập các hợp tác xã nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất, kinh doanh quy mô lớn gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia và địa phương.
Mặt khác, hướng tới xóa bỏ "tiền kiểm" và tăng cường "hậu kiểm", khắc phục kịp thời tình trạng buông lỏng quản lý đối với phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã thời gian qua; xác định rõ địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và các điều kiện, nguồn lực thực hiện để hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thực hiện nhiệm vụ được giao.
Liên quan tới chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập, hợp tác xã trong dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), ông Nguyễn Mạnh Cường cho rằng cần cụ thể hóa đầy đủ tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW đã nêu với các nhóm chính sách cụ thể như phát triển nguồn nhân lực; đất đai; tài chính; tín dụng; khoa học - công nghệ; hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện để các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã gồm phát triển thành viên; hợp tác xã chuyển đổi từ tổ hợp tác; phát triển hợp tác xã quy mô lớn, sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị chủ lực quốc gia, vùng miền địa phương; kết cấu hạ tầng, vùng nguyên liệu, trang thiết bị bảo quản, chế biến, tham gia hoạt động nhập, xuất hàng dự trữ Quốc gia.
Thêm vào đó, tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước khi thực hiện đầy đủ quy định của Luật Hợp tác xã và quy định khác của pháp luật có liên quan; xếp loại hợp tác xã từ mức trung bình trở lên; báo cáo kiểm toán nội bộ không quá 12 tháng đến thời điểm đề xuất hỗ trợ; thành viên của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh./.
Nguồn:vca.org.vn
Ý kiến bạn đọc