Phát triển kinh tế hợp tác góp phần thực hiện thắng lợi đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi

Thứ năm - 04/08/2016 22:00 38 0

Phát triển kinh tế hợp tác góp phần thực hiện thắng lợi đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi

Cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng đang khẩn trương thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp để hội nhập với kinh tế thế giới và khu vực. Thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần quan tâm nhiều lĩnh vực, trong đó lĩnh vực chế biến, tiêu thụ sản phẩm thật sự là vấn đề nóng bỏng của sản xuất nông nghiệp hiện nay. Để giải quyết vấn đề này cần tập trung chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp nhất là khâu chế biến nông, lâm, thủy sản và củng cố phát triển mạnh các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác nông nghiệp nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò bà đỡ hữu hiệu của các HTX, tổ hợp tác trong sản xuất nông, lâm nghiệp giúp người nông dân, người sản xuất nhỏ lẻ có cơ hội vươn lên tập hợp được sức mạnh cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường, không bị chèn ép, lép vế, thiệt thòi trong việc hưởng lợi từ các chính sách cũng như những thành quả về tiến bộ khoa học kỹ thuật của thời đại …

Trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến một khía cạnh là việc củng cố phát triển kinh tế hợp tác (HTX, tổ hợp tác) trong những năm tới trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, góp phần thực hiện thắng lợi Đề án Tái cơ cấu của ngành nông nghiệp tỉnh nhà, giúp người nông dân Quảng Ngãi vươn lên làm giàu hội nhập phát triển theo xu hướng chung của thời đại như đã đặt vấn đề ở trên. Nói về kinh tế hợp tác nông nghiệp  toàn tỉnh hiện nay có 181 HTX và 5 tổ hợp tác đang hoạt động trong đó có khoảng trên 26% HTX được đánh giá là khá ( tổ chức được 4 – 5 dịch vụ phục vụ xã viên như dịch vụ thủy lợi, khuyến nông, bảo vệ thực vật, cung ứng giống, tín dụng nội bộ), và khoảng 26% số HTX yếu kém (chỉ hoạt động dịch vụ thủy lợi, nguồn thu từ cấp bù thủy lợi phí của nhà nước). Còn khoảng 47% HTX hoạt động cầm chừng (tổ chức một vài khâu dịch vụ, doanh thu không đáng kể). Theo báo cáo của các huyện đến hết tháng 4/2015 mới có khoảng 27% số HTX trong toàn tỉnh tổ chức Đại hội chuyển đổi thực hiện Luật HTX năm 2012, song trong số đó cũng chỉ có 7%  số HTX (13 HTX) thực hiện đầy đủ thủ tục được cấp giấy đăng ký kinh doanh để hoạt động theo Luật mới. Những yếu kém vốn có của kinh tế hợp tác nông nghiệp  trước đây và hiện nay ở tỉnh nhà chưa được khắc phục như: Quy mô nhỏ bé, manh mún. Quá trình chuyển đổi chậm, nợ đọng dây dưa, kéo dài, không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng trong khi hầu hết các HTX đều thiếu vốn hoạt động; hiệu quả kinh doanh thấp; năng lực của hầu hết cán bộ quản lý HTX chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa được đào tạo về cơ bản, thiếu tính nhạy bén và năng động sáng tạo … Một số chính sách của nhà nước nhằm khuyến khích, hỗ trợ các HTX phát triển chưa được triển khai thực hiện như: Chính sách đào tạo, sử dụng cán bộ cho HTX, chính sách hỗ trợ vốn, hạ tầng, xúc tiến thương mại, khoa học công nghệ … nên hầu hết các HTX không có được những phương án tổ chức sản xuất kinh doanh tối ưu phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, không tận dụng được thế mạnh của cơ sở, chưa khai thác được tiềm năng hiện có để phát triển, nên cũng không thu hút được sức và lực của người nông dân trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng thu nhập cho người lao động.

4.8.3.jpg

Đại hội Hợp nhất HTX Dịch vụ Nông nghiệp Nông thôn xã Tịnh Hiệp

Từ những thực tại trên cần khuyến khích tuyền truyền vận động và hỗ trợ kinh tế hợp tác phát triển với nhiều hình thức đa dạng, đa ngành nghề; từng bước khắc phục những yếu kém vốn có của kinh tế hợp tác trước đây như  đã phân tích ở trên. Đó cũng là định hướng cơ bản về phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp của ngành nông nghiệp tỉnh nhà đã đề ra trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Trước hết các cấp, các ngành, đặc biệt là cấp huyện và xã cần tập trung cao độ chỉ đạo, hướng dẫn các HTX nông nghiệp thực hiện việc chuyển đổi HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Giúp các HTX  nông nghiệp xây dựng phương án kinh doanh, chú trọng hoạt động sản xuất kinh doanh đa ngành nghề, hỗ trợ tốt khâu dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thành viên và người lao động; xây dựng kế hoạch liên doanh liên kết giữa các HTX với nhau, giữa HTX với các doanh nghiệp trên địa bàn, nhằm mở rộng quy mô, lĩnh vực hoạt động, tăng năng lực và sức cạnh tranh trên thị trường. Các huyện, thành phố cần tập trung xây dựng các đề án, phương án, kế hoạch thật cụ thể, chi tiết về củng cố và phát triển HTX nông nghiệp, tổ hợp tác trong nông nghiệp. Triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các chủ trương, cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước và chỉ đạo giải quyết dứt điểm những tồn tại vướng mắc lâu nay của HTX nông nghiệp về cơ sở vật chất (trụ sở, đất đai), về nợ đọng, tranh chấp … tạo điều kiện thuận lợi nhất cho kinh tế hợp tác được thụ hưởng đầy đủ các chính sách của Nhà nước để có thể phát triển vươn lên mạnh mẽ. Các huyện, thành phố cần phân công giao nhiệm vụ cụ thể cho phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, phòng Kinh tế và chỉ đạo UBND các xã có trách nhiệm rõ ràng, phân công cán bộ chuyên môn theo dõi giúp đỡ các HTX … Đối với tỉnh cần quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt một số giải pháp như: Củng cố và kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước đối với HTX; tăng cường bồi dưỡng, đào tạo và nâng cao năng lực cho những cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về HTX; tổ chức tuyên truyền, học tập quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về HTX; tổ chức điều tra, phân loại, đánh giá chính xác hiện trạng HTX, tình hình thực hiện tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới: có tổ hợp tác hoặc HTX hoạt động hiệu quả. Từ đó xác định được sự tác động của các chính sách đối với HTX nông nghiệp, có những điều chỉnh, bổ sung  phù hợp hơn; xây dựng mô hình điểm về HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả để có cơ sở nhân rộng; xây dựng thí điểm và phát triển các mô hình liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng mẫu lớn …; Tổ chức, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX nông nghiệp theo chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015 – 2020 tại Quyết định 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng và các chính sách, kế hoạch phát triển HTX nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của UBND tỉnh đã đề ra  như: Quyết định 710/QĐ-BNN-KTHT ngày 10/4/2014 về kế hoạch đổi mới HTX nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và PTNT; Quyết định 04/2014/QĐ-UBND ngày 13/01/2014; Quyết định 31/2014/QĐ-UBND ngày 24/6/2014 của UBND tỉnh Quảng Ngãi, quy định chính sách hỗ trợ phát triển HTX và một số chính sách khác. Cuối cùng vấn đề rất quan trọng là tỉnh cần ưu tiên dành nguồn lực tài chính thỏa đáng đầu tư cho nông nghiệp nông thôn đảm bảo thực hiện đầy đủ các chính sách của nhà nước, của tỉnh về nông nghiệp, HTX nông nghiệp. Có như vậy thì thời gian tới HTX nông nghiệp mới có thể thực sự đổi mới và phát triển mạnh mẽ phát huy được vai trò bà đỡ thật sự cho sản xuất của người nông dân, đảm bảo được tiêu chí  số 13 của chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần thắng lợi trong việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh nhà, giúp nông dân thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu./.

​Nguồn:http://lienhiephoi.quangngai.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay202
  • Tháng hiện tại8,452
  • Tổng lượt truy cập349,121
hộp thư điện tử
Lịch công tác
cổng thông tin điện tử Tây Ninh
cải cách hành chính
công báo
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây