Tiền Giang là tỉnh đất hẹp, người đông có đến trên 80% diện tích đất nông nghiệp đang được 79% hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ canh tác. Những hộ nông dân này đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn trong sản xuất và thị trường do hạn chế về qũy đất, sản xuất nhỏ (bình quân diện tích đất nông nghiệp: 0,57 ha/hộ), thiếu đầu ra ổn định và đặc biệt thiếu kiến thức và kỹ năng về công nghệ và kinh doanh nông nghiệp - đại đa số chưa bao giờ biết đến hợp đồng nông nghiệp. Trong khi đó, các công ty chế biến, các doanh nghiệp nông nghiệp cũng gặp phải khó khăn trong việc xuất khẩu nông sản nguyên nhân do thiếu nguyên liệu đầu vào có chất lượng và ổn định; các doanh nghiệp hay các cơ sở chế biến, kinh doanh này lại thiếu niềm tin vào chất lượng và khả năng cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào của các nông hộ sản xuất nhỏ lẻ. Sự không gắn kết này là rào cản lớn nhất cần phải giải quyết để phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp. Tuy nhiên khi đầu tư vào việc hiện đại hoá, công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn, phải quan tâm đến một vấn đề cực kỳ quan trọng, đó là tổ chức nông dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp, mà mấu chốt là hình thành và phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã và xây dựng được những thương hiệu nông sản.
Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết TW 5, khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác và hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển nhất định về số lượng, chất lượng, quy mô và hình thức hoạt động. Toàn tỉnh hiện có 41 hợp tác xã nông nghiệp với 19.447 thành viên gồm các loại hình: cung cấp nước sinh hoạt nông thôngắn với dịch vụ nông nghiệp: 4 HTX; cung cấp nước sinh hoạt nông thôn: 11 HTX; dịch vụ nông nghiệp: 2 HTX; sản xuất và tiêu thụ trái cây: 13 HTX; sản xuất kinh doanh tổng hợp: 3 HTX; sản xuất và tiêu thụ rau an toàn: 4 HTX; chăn nuôi thuỷ sản gia súc gia cầm: 3 HTX; dịch vụ hoa kiểng: 1 HTX. Tổng vốn điều lệ: 19,76 tỷ đồng; doanh thu bình quân 3,13 tỷ đồng/HTX, lãi sau thuế bình quân 722,69 triệu đồng/HTX; Thu nhập bình quân lao động thường xuyên của hợp tác xã 18,92 triệu đồng/năm; Phân loại hợp tác xã: Khá, giỏi: 19 HTX, chiếm 46,34%; Trung bình: 12 HTX, chiếm 29,27% ; Yếu, kém và ngưng hoạt động thời gian dài: 10 HTX, chiếm 24,39%.
Nhìn chung, phần lớn các hợp tác xã hoạt động đa dạng với nhiều loại hình, ngành nghề; nhiều hợp tác xã tiếp tục được củng cố về công tác tổ chức, quản lý; hiệu quả hoạt động được nâng lên; một số hợp tác xã thể hiện được vai trò quan trọng trong cung cấp vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho thành viên,từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu, lợi ích của các thành viên; tạo thêm việc làm và thu nhập cho thành viên và người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội vàcó những đóng góp quan trọng thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh phát triển.
Tuy nhiên, tình trạng yếu kém kéo dài của kinh tế hợp tác vẫn chưa được khắc phục; tỷ lệ đóng góp vào GDP của Ngành không đáng kể; quy mô của hợp tác xã nhỏ; trình độ công nghệ lạc hậu, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý yếu; chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã còn thấp; nhiều hợp tác xã chưa chuyển đổi theo Luật HTX 2012, hoạt động chưa bảo đảm đúng nguyên tắc của Luật, hoặc hoạt động hình thức, thành viên không góp vốn, góp sức vào hoạt động của hợp tác xã. Nguyên nhân của các tồn tại, yếu kém trên là do đa phần hợp tác xã thành lập trước đây không xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của nông dân; chưa nhận thức đúng về bản chất của hợp tác xã và năng lực nội tại của các hợp tác xã yếu kém.
Phát triển kinh tế hợp tác là một chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Kinh tế hợp tác với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, mà nòng cốt là hợp tác xã hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm và cùng có lợi; dựa trên tinh thần hợp tác, chia sẻ, mang lại lợi ích cho các thành viên và xã hội; không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mà còn có đóng góp quan trọng trong phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn. Kinh tế hợp tác là phương thức để hỗ trợ hộ kinh tế cá thể cạnh tranh được trong kinh tế thị trường. Muốn sản xuất thực sự gắn với thị trường, muốn hội nhập quốc tế và xuất khẩu phải có hợp tác xã kiểu mới, nhưng không triệt tiêu sản xuất cá thể của nông hộ.
Hợp tác xã kiểu mới là tổ chức kinh tế của nông dân, do nông dân tự thấy cần phải thành lập để phục vụ cho chính nó - Bởi về bản chất và cả Luật hợp tác xã hiện hành, hợp tác xã sinh ra là để phục vụ chính nó. Vì thế, chỉ có hợp tác xã mới có thể là tổ chức mang bản chất xã hội nhất, phục vụ cho lợi ích chung nhất, trực tiếp nhất cho các thành viên. Hợp tác xã hoạt động theo phương thức các hộ là đơn vị hạch toán kinh doanh, các hộ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất kinh doanh của mình. Kinh tế hợp tác là phương thức để hỗ trợ hộ kinh tế cá thể cạnh tranh được trong kinh tế thị trường. Hợp tác xã tạo sức mạnh về pháp lý để đàm phán để mua sản phẩm đầu vào giá rẻ, các dịch vụ quy mô lớn… Bản chất của hợp tác kiểu mới là những người sản xuất phải trực tiếp liên kết với nhau trong một tổ chức của nông dân chứ không phải đầu tư nhiều tiền vào để chia lợi nhuận.
Với nhận thức như trên, để thực hiện chủ trương "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững", Ngành Nông nghiệp xác định nhiệm vụ đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển đa dạng các hình thức tổ chức hợp tác của nông dân nhằm thực hiện liên kết sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, điều hành của Trung ương, Ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch "Đổi mới phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp giai đoạn 2015-2020" đổi mới toàn diện theo mô hình hợp tác xã kiểu mới của Luật Hợp tác xã năm 2012; Kế hoach thực hiện cánh đồng lớn sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2020 và các chính sách hỗ trợ phát triển cánh đồng lớn; chính sách hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu theo Quyết định số 04/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh về hỗ trợ áp dụng thực hành nông nghiệp tốt; bên cạnh đó còn thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị định 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật hợp tác xã năm 2012 và Quyết định 2261/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển Hợp tác xã giai đoạn 2015 – 2020 như: đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, hỗ trợ ưu đãi về tín dụng, chính sách hỗ trợ về đất đai v.v.
Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đổi mới tổ chức sản xuất phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nhằm phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX nông nghiệp, trong thời gian tới và trước mắt Ngành nông nghiệp khuyến nghị thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
(1) Nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất của kinh tế hợp tác, của hợp tác xã kiểu mới theo Luật hợp tác xã 2012 và các văn bản hướng dẫn thực hiện; trong đánh giá hiệu quả của kinh tế hợp tác phải dựa trên quan điểm toàn diện về kinh tế - chính trị - xã hội, cả hiệu quả của hợp tác xã và hiệu quả của thành viên, tránh phiếm diện, dẫn đến hiểu sai về kinh tế hợp tác. Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Nghị quyết TW 5, khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể và Luật hợp tác xã 2012, nhất là về các đặc trưng của hợp tác xã kiểu mới.
(2) Triển khai thực hiện Kế hoạch đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới:Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, triển khai Luật hợp tác xã năm 2012, Nghị định 193/2013/NĐ-CP và các chủ trương, chính sách đổi mới phát triển kinh tế hợp tác và liên kết sản xuất; Hướng dẫn thành lập mới; quan tâm đến công tác đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn về kinh tế hợp tác và cán bộ quản lý hợp tác xã; Tập trung thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi các hợp tác xã theo Luật hợp tác xã năm 2012; rà soát, đánh giá các hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả, có kế hoạch hướng dẫn giải thể, sát nhập, chuyển đổi các hợp tác xã không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả; Tham mưu việc cụ thể hóa các cơ chế, chính sách để hỗ trợ các hợp tác xã sau khi đăng ký lại hoạt động theo Luật hợp tác xã năm 2012; hỗ trợ sản xuất cho các trang trại, kinh tế hộ phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hình thức liên kết, tổ chức xây dựng 2 hợp tác xã kiểu mới để làm điểm và chọn một số ngành hàng để tập trung phát triển hợp tác xã này đi vào chiều sâu; bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy vai trò làm chủ thật sự của thành viên, gắn bó chặt chẽ giữa quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của thành viên trong hợp tác xã; phát huy năng lực nội tại của tổ chức kinh tế hợp tác, đủ sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác.
(3) Triển khai Kế hoach thực hiện cánh đồng lớn sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2020 và các chính sách hỗ trợ phát triển cánh đồng lớn; Nghiên cứu chọn một số sản phẫm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh tập trung đầu tư, tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao để thực hiện tái cơ cấu.
(4) Xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm cho hợp tác xã: thực hiện công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ mới cho các hợp tác xã nhằm tạo ra sản phẩm mới có năng suất, chất lượng cao; đồng thời chọn ra sản phẩm đặc thù thuộc thế mạnh của hợp tác xã từ đó thiết kế mẫu mã đẹp, tạo điểm khác biệt và độ an toàn cao cho sản phẩm. Từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
(5) Gắn việc chỉ đạo xây dựng hợp tác xã kiểu mới với chỉ đạo xây dựng nông thôn mới: đổi mới tổ chức, thể chế để giúp nông dân tích tụ ruộng đất để họ trở thành hộ sản xuất hàng hóa lớn, tồn tại lâu dài; phải có hợp tác xã dịch vụ kiểu mới do nông dân góp vốn và nông dân lập ra; tổ chức tín dụng nông thôn do nông dân góp vốn và lập ra để đáp ứng nhu cầu vốn của dân và liên kết với doanh nghiệp; tổ chức chuỗi giá trị ngành hàng theo hướng quy hoạch, hình thành khu sản xuất tập trung làm hạt nhân phát triển các sản phẩm chủ lực.
Để hợp tác xã phát triển bền vững trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay, với những định hướng và giải pháp phù hợp cùng sự chung sức, quyết tâm thực hiện của tất cả các ngành, các cấp, đặc biệt là tự thân các hợp tác xã sẽ là nền tảng và là đòn bẩy đưa hợp tác xã nông nghiệp tỉnh nhà ngày càng phát triển, phát huy tốt hơn vai trò của mình trong nền kinh tế thị trường, hội nhập ngày càng sâu rộng trong thời gian tới./.
Nguồn:http://tiengiang.gov.vn/
Ý kiến bạn đọc