Cùng suy ngẫm- Tăng cường bảo hộ các sản phẩm nông sản

Thứ bảy - 24/12/2016 18:00 38 0

Cùng suy ngẫm- Tăng cường bảo hộ các sản phẩm nông sản

Sau hơn 10 năm thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ, đến nay, nhiều sản phẩm nông sản tại các địa phương, vùng miền đã được cấp quyền sở hữu trí tuệ như: Bưởi Đoan Hùng, bưởi Phúc Trạch, cam Vinh, cà-phê Buôn Ma Thuột, chè Shan Tuyết, quế Văn Yên, chè Tân Cương, xoài Cát Lộc... Những sản phẩm nông sản nêu trên không chỉ đem lại giá trị kinh tế cho tập thể, cá nhân người sản xuất mà còn được pháp luật bảo hộ. 

Trước áp lực cần phải bảo vệ và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa của mình, gần đây, các nhà sản xuất nông nghiệp đã quan tâm hơn đến việc bảo hộ sở hữu trí tuệ. Một số địa phương có những sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng sau một thời gian dài sản xuất, kinh doanh tự phát, nay nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ thương hiệu (nhằm chống lại các sản phẩm giả, nhái nhãn hiệu) cũng đã thực hiện các thủ tục cần thiết để cơ quan quản lý nhà nước cấp quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng chỉ dẫn địa lý, góp phần nâng cao giá trị nông sản, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sản xuất.

Nước ta rất giàu tiềm năng về nông sản nhiệt đới, và hầu như địa phương nào cũng có những đặc sản nổi tiếng gắn với các địa danh. Trong khi đó, công tác xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản đã đạt được những kết quả nhất định, nhất là khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Tuy vậy, hiện vẫn còn nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp và địa phương chưa quan tâm đến bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản và rất ít nhãn hiệu sản phẩm nông sản Việt Nam đạt được uy tín ở tầm quốc tế. Kết quả điều tra của các cơ quan chức năng cho thấy, phần lớn nông sản Việt Nam xuất khẩu dưới nhãn hiệu của nước ngoài, mới có khoảng 50 chỉ dẫn địa lý và 140 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được đăng ký xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chỉ một số ít trong đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài... và trong khoảng 900 sản phẩm nông sản gắn với khoảng 700 địa danh thì vẫn còn tới 80% sản phẩm nông sản chưa có thương hiệu.

Việc chưa quan tâm đến thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm có nguyên nhân bắt nguồn từ nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, năng lực hoạt động của các doanh nghiệp còn thấp; sự liên kết giữa chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ; kỹ năng thương mại và tiếp thị, phát triển sản phẩm của người sản xuất còn hạn chế, mang tính tự phát.

Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở và người nông dân chưa ý thức được tầm quan trọng của việc phát triển thị trường, xây dựng và đăng ký xác lập bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và nhãn hiệu nông sản, trong khi xu hướng chung của thị trường đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được các cơ quan chức năng nhà nước bảo hộ.

Việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy kinh tế địa phương. Hơn nữa, nếu sản phẩm thương hiệu Việt Nam không được chuẩn hóa khó đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng khi cần truy xuất nguồn gốc, làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Tuy vậy, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhiều ý kiến cho rằng, tồn tại lớn nhất là thiếu cơ sở pháp lý chung trong công tác quản lý và kiểm soát chỉ dẫn địa lý. Do đó, cần có sự thay đổi mạnh mẽ hình thức đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý, thông qua đó, các địa phương, cá nhân sản xuất nông nghiệp rất cần sự hỗ trợ kịp thời, thường xuyên của Nhà nước về cơ chế, chính sách, của các cơ quan bảo vệ pháp luật về kiểm tra, đấu tranh với nạn làm giả, làm nhái, gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín, xâm phạm quyền lợi của các nhà sản xuất chân chính. Và, quan trọng hơn, chính các nhà sản xuất cũng cần phải nâng cao chất lượng, mẫu mã các sản phẩm nông sản để tăng năng lực cạnh tranh, trở thành địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng.

Nguồn Báo Nhân dân

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập14
  • Hôm nay407
  • Tháng hiện tại3,934
  • Tổng lượt truy cập386,015
hộp thư điện tử
Lịch công tác
cổng thông tin điện tử Tây Ninh
cải cách hành chính
công báo
Cổng thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây