|
Người bán hàng rong buôn bán trên xe gây mất trật tự và gây phiền toái cho hành khách.
Có thế nói vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đóng vai trò quan trọng và là giải pháp mang tầm chiến lược trong việc khắc phục ùn tắc giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông và giảm ô nhiễm môi trường tại các đô thị. Ở Tây Ninh, sau nhiều năm triển khai hoạt động, dịch vụ vận tải công cộng bằng xe buýt đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó, hoạt động dịch vụ này cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề cần được nhanh chóng giải quyết.
Phiền nhiễu từ hàng rong
Điều phiền toái thường thấy là tình trạng bán hàng rong trên xe buýt. Tình trạng này diễn ra ở hầu hết các tuyến xe buýt đang hoạt động tại Tây Ninh; kéo theo là nạn trộm cắp gây bất an, ngán ngẩm cho hành khách đi xe buýt.
Chiều 27.7 vừa qua, khi có mặt trên chuyến xe buýt từ bến xe Tây Ninh đi cửa khẩu Xa Mát (huyện Tân Biên), lúc xe còn chưa chạy, chúng tôi được chứng kiến một cảnh tượng rất quen thuộc đối với nhiều người thường xuyên di chuyển bằng xe buýt, đó là sự bủa vây của những người bán thức ăn nhanh, nước giải khát, vé số… Ở một số tuyến khác như Tây Ninh - Gò Dầu, Tây Ninh - cửa khẩu Mộc Bài cũng xuất hiện tình trạng tương tự- bất cứ khi nào miễn trên xe buýt có người. Khi xe chuyển bánh, những người bán hàng rong mới lui ra cửa, bước xuống, chờ đợi chiếc xe sau đến lại diễn cảnh cũ.
Khoảng 17 giờ hôm ấy, khi trên xe có khoảng 10 hành khách, một thanh niên cầm tập vé số bước lên. Anh này len lỏi từ đầu xe đến cuối xe để chào mời người mua. Không thấy ai hưởng ứng, anh ta giúi đại vào tay mỗi người vài tờ vé số khiến không ít hành khách trên xe tỏ vẻ khó chịu. Thường xuyên đi làm trên tuyến xe buýt này, chị T (một công nhân làm việc tại Công ty TNHH VMC Hoàng Gia) than phiền: “Ngày nào đi làm mình cũng gặp cảnh này, nhiều hôm mệt lả người, lên xe chỉ muốn tranh thủ ngủ một lát cho lại sức cũng không được; cứ hết người này mời mua trái cây, trứng cút đến người kia kêu mua vé số, nước ngọt, kể cả… thuốc gia truyền. Có khi khách “bị” mời chỉ xem mà không mua thì người bán hàng lại tỏ thái độ bất lịch sự, nói năng rất “chợ búa”, bực mình lắm”.
Việc bán hàng rong tự do, thoải mái như vậy không chỉ gây tình trạng lộn xộn, làm mất đi nét văn minh cần phải có trên xe buýt mà còn gây khó khăn cho việc lên xuống của hành khách- kể cả khi xe chưa chạy hoặc lúc xe dừng để đón, trả khách. Điều này còn làm gia tăng tình trạng trộm cắp tài sản của hành khách trên xe. Chị Th kể: “Có lần đi trên tuyến xe này, do lúc lên xe đông đúc, lực lượng bán hàng rong thì kẻ xuống người lên, mình sơ hở đã bị kẻ xấu trộm mất chiếc điện thoại”.
Có thể thấy trên nhiều xe buýt, cánh lái xe và nhân viên soát vé không hiểu vô tình hay cố ý thường tạo điều kiện hoặc “làm lơ” cho những người bán hàng rong mặc tình lên xe và tha hồ làm phiền khách đi xe. Một khi cảnh tượng này vẫn cứ diễn ra thì rất khó nói đến việc nâng cao chất lượng phục vụ để làm hài lòng các “thượng đế” của xe buýt.
Giá vé đủ kiểu
Theo Thông tư 63/2014/TT-BGTVT về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, giá vé xe buýt được niêm yết bên phải thành xe cùng với số hiệu tuyến, số điện thoại của doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) vận tải.
Hiện tuyến xe buýt bến xe Tây Ninh đi cửa khẩu Xa Mát (huyện Tân Biên) do HTX vận tải Đồng Tiến quản lý. Việc niêm yết giá vé của các xe chạy tuyến này khiến hành khách khó hiểu. Cụ thể ở xe mang biển số 70B-008... giá vé (mỗi người) lên xuống là 10.000 đồng, đi 1/3 tuyến: 16.000 đồng, suốt tuyến: 18.000 đồng. Còn ở xe mang biển số 70B-005… thì giá niêm yết tương ứng là 9.000 đồng, 15.000 đồng và 17.000 đồng. Nhưng vé xe do HTX Đồng Tiến in ra thì ghi giá là 8.000, 12.000, 14.000 và 16.000 đồng. Giá niêm yết, giá in trên vé là một chuyện, còn giá thu trên xe lại là chuyện khác. Cụ thể, nhân viên bán vé trên chiếc xe buýt biển số 70B – 008… “mặc định”: mỗi hành khách bước lên, bước xuống xe đều phải trả 10.000 đồng (cho dù xe mới ra khỏi bến khoảng 50m), đi nửa chặng đường là 16.000 đồng và suốt tuyến là 18.000 đồng. Người đàn ông thu tiền xe không hề xé vé đưa cho hành khách và ngược lại phần lớn hành khách cũng không yêu cầu được nhận vé. Khi tôi đề nghị lấy vé, nhân viên này nói: “Lấy vé làm gì, về công ty thanh toán hả? Nếu cần thì chú cho, chứ không cần xé vé”. Tôi nói không lấy vé rủi bị nhân viên soát vé phạt thì sao, ông nọ cho biết: “Xe của chú, chú không kiểm tra thì ai dám kiểm tra? Giờ còn xe nào xé vé nữa đâu! Có chăng chỉ còn ở tuyến đi Mộc Bài thôi, nhưng cũng ít lắm”.
Trên xe buýt mang biển số 70B-005… tôi phải trả 10.000 đồng cho hành trình từ địa điểm khu di tích chiến thắng Tua Hai đến bến xe Tây Ninh. Khi tôi yêu cầu được xuất vé với giá tiền đã trả với lý do để thanh toán thì nhân viên trên xe hỏi: “Em muốn lấy bao nhiêu, có nhiều loại giá, muốn lấy loại nào?”. Tôi ngỏ ý muốn xin 2 vé giá 16.000 đồng, thì anh “hào phóng” cho luôn 10 vé.
Tạm tính cứ một hành khách trả 10.000 đồng/vé (lượt lên, xuống) thì nhân viên trên xe đã thu quá giá 2.000 đồng mỗi vé, vậy trong một tháng có bao nhiêu lượt hành khách như vậy và số tiền thu “vượt mức” sẽ là bao nhiêu? Mặt khác, số tiền này đi về đâu?
Liên hệ HTX vận tải Đồng Tiến để hỏi về vấn đề trên, chúng tôi được biết: về việc bán vé xe quá giá thì đã có quy chế để xử lý. Trên xe có đường dây nóng, nếu hành khách đi xe mà bị lấy tiền quá giá thì có thể điện qua đường dây nóng để báo cho những người có trách nhiệm được biết để có hướng xử lý vụ việc. Về chuyện xé vé xe, HTX cũng đã sinh hoạt và có cung cấp thông tin đầy đủ các quy định của Nhà nước về quyền hạn, trách nhiệm của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe buýt. Nguyên tắc hoạt động của nhân viên xe buýt trên toàn quốc là khi thu tiền thì phải xé vé giao cho khách”.
|
Một nhân viên thu tiền vé xe nhưng không xé vé trên xe buýt.
Cũng xung quanh vấn đề trên, chị Thuý- ngụ ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành bày tỏ ý kiến: “Tôi đi xe buýt mấy năm nay đều không có vé xe! Cứ người ta yêu cầu trả bao nhiêu tiền thì đưa bấy nhiêu. Cũng có khi gặp chuyện bực mình như trả tiền xe rồi mà do hành khách đông quá, nhân viên nhà xe không kiểm soát được lại yêu cầu mình thanh toán lần nữa. Muốn yêu cầu người ta xuất vé cho mình thì cũng ngại vì sẽ bị mọi người nhìn mình cứ như dân lơ mơ, mới lần đầu đi xe buýt. Thế nên tôi không hỏi vé xe nữa”.
Đừng coi là chuyện nhỏ
Bên cạnh những điều đã kể trên, dịch vụ xe buýt còn bộc lộ một số điều bất cập trong việc bắt khách, trả khách- cụ thể là dừng không đúng nơi, đúng chỗ. Hiện các điểm dừng đỗ và nhà chờ cho xe buýt còn ít, trong quá trình sử dụng nhiều điểm báo, nhà chờ đã xuống cấp nhưng chưa được quan tâm đầu tư, sửa chữa đúng mức.
Các tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã đi vào hoạt động từ nhiều năm qua, công bằng mà nói, loại hình dịch vụ này cũng đã tích cực góp phần trong việc đáp ứng nhu cầu vận chuyển- một nhu cầu thiết yếu của đời sống xã hội. Tuy nhiên những mặt hạn chế tồn tại- tưởng nhỏ nhưng thực ra không nhỏ trong hoạt động xe buýt như kể trên, cũng đã khiến không ít người dân cho đến giờ vẫn còn tâm lý e ngại đối với loại phương tiện vận tải công cộng này.
Để cải thiện tình hình ấy, thiết nghĩ các cấp, ngành chức năng cần sớm có biện pháp chấn chỉnh, đưa hoạt động xe buýt đi vào nề nếp, quy củ để xe buýt ngày càng thu hút đông đảo số lượng người sử dụng.