BTN - Các khách mời đã có những chia sẻ về định hướng của tỉnh trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra những sản phẩm sạch, chất lượng cao, xây dựng thương hiệu tiến tới phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Vườn dưa lưới tại xã An Bình, huyện Châu Thành.
Mới đây, tại Ðài Phát thanh và Truyền hình tỉnh diễn ra buổi toạ đàm “Tây Ninh với định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng thương hiệu nông sản”. Buổi toạ đàm có sự tham gia của ông Nguyễn Duy Ân- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT), ông La Hữu Nghị- Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã và ông Nguyễn Thế Tân- Giám đốc Công ty cổ phần Natani.
Các khách mời đã có những chia sẻ về định hướng của tỉnh trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra những sản phẩm sạch, chất lượng cao, xây dựng thương hiệu tiến tới phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: hướng đi mới, tăng năng suất, nâng cao hiệu quả trên cùng 1 thửa đất
Chia sẻ trong buổi toạ đàm, ông Nguyễn Duy Ân cho biết, diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh hiện có trên 340.000 ha, trong đó có hơn 71.000 ha chuyên canh các loại cây trồng truyền thống như: mía, mì, cao su, mãng cầu…
Trong những năm gần đây, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, giá các loại nông sản truyền thống sụt giảm nghiêm trọng, như cây mía, mì, cao su, heo, bò… Cùng với đó, tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cũng tác động không nhỏ đến nền nông nghiệp.
Do đó, để nền nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững, đòi hỏi phải có sự chuyển đổi, cơ cấu lại nền nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao, dần thay thế những cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các loại cây trồng mới, giống vật nuôi mới hiệu quả kinh tế cao hơn, cũng như nâng cao chất lượng nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, Organic, GlobalGAP tiến tới xuất khẩu nông sản.
Theo ông Ân, để thúc đẩy chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao, giai đoạn 2017-2021, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Kế hoạch và Ðầu tư tham mưu UBND tỉnh đề ra 6 nhóm giải pháp thực hiện:
Thứ nhất, tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, xây dựng các cánh đồng lớn, chăn nuôi trang trại tập trung, gắn sản xuất với tiêu thụ.
Thứ hai, triển khai các chính sách về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Thứ ba, đầu tư phát triển nguồn nhân lực, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Thứ tư, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua việc tổ chức các hội thảo, xúc tiến thương mại…
Thứ năm, tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, khuyến khích họ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao.
Thứ sáu, thực hiện chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ðể thực hiện đồng bộ 6 giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao, ngoài việc đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, tỉnh cũng đã đề ra nhiều chính sách cải cách hành chính, thay đổi và hoàn thiện về cơ chế chính sách phù hợp với thực tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chú trọng việc nghiên cứu, vận dụng các chính sách của Trung ương đã ban hành vào điều kiện thực tế của tỉnh; trên cơ sở đó xây dựng và ban hành một số chính sách mới nhằm tăng cường thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp.
Cụ thể, theo ông Ân, thời gian qua, Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao và bước đầu áp dụng mang hiệu quả thực tế, như: chính sách cánh đồng lớn, tạo điều kiện sản xuất theo hướng liên kết sản xuất, chuyển giao khoa học công nghệ, với 18 vùng được UBND tỉnh quy hoạch là vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, diện tích trên 17.048 ha; chính sách đặc thù, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; chính sách hỗ trợ chăn nuôi; đầu tư các công trình nước sạch tại các vùng kinh tế khó khăn; chính sách ưu đãi lãi suất đối với vốn vay đầu tư phát triển nông nghiệp; chính sách ưu đãi về phí dịch vụ thuỷ lợi nông nghiệp nông thôn.
Xây dựng thương hiệu và vai trò của liên kết sản xuất
Thực hiện định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và xây dựng thương hiệu nông sản phát triển bền vững, ngoài việc xây dựng các cơ chế chính sách tạo điều kiện chuyển đổi và phát triển các vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp cũng được lãnh đạo tỉnh rất chú trọng, điển hình là việc xây dựng nhà máy chế biến nông sản Tanifood tại xã Thạnh Ðức, huyện Gò Dầu.
Tuy nhiên, để nông sản của nông dân được vào nhà máy lại là một vấn đề khác, trong đó vai trò của các tổ hợp tác sản xuất và hợp tác xã là hết sức quan trọng. Trao đổi về vấn đề này, ông La Hữu Nghị- Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã cho biết, nhà máy chế biến nông sản Tanifood sắp đi vào hoạt động là một tín hiệu đáng mừng đối với người nông dân Tây Ninh, và để đón đầu quá trình phát triển, ngay từ đầu, Liên minh HTX đã chủ động tuyên truyền, định hướng sản xuất đối với các tổ hợp tác và HTX, gắn canh tác với phương án sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu của nhà máy.
Ông La Hữu Nghị cho biết, theo chỉ tiêu được giao, Tây Ninh phải có từ 90 HTX và đến năm 2020 sẽ có 120 HTX hoạt động có hiệu quả trên lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 32/95 xã, phường chưa có HTX, do đó, trong thời gian tới, Liên minh HTX tiếp tục tuyên truyền về Luật HTX 2012; tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo quản lý các HTX về ứng dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất; cùng với đó, Liên minh HTX sẽ tiếp tục tham mưu Ban đổi mới kinh tế tập thể tỉnh và UBND tỉnh ban hành các chính sách, cơ chế về đất đai, tín dụng, quỹ hỗ trợ phát triển HTX, tiếp tục hỗ trợ các HTX về phương án kinh doanh gắn với thương hiệu nông sản và du lịch.
Theo ông Nguyễn Thế Tân- Giám đốc Công ty Natani cho biết, mãng cầu Bà Ðen là đặc sản, chiếm gần 50% thị phần mãng cầu cả nước, là một trong những mặt hàng nông sản có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng giòi, sâu bệnh và việc con người sử dụng nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hoá học không theo chỉ dẫn làm chai đất, ô nhiễm môi trường. Ðặc biệt, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng trái mãng cầu, khiến người tiêu dùng lo ngại, không dám ăn, nhiều người suy nghĩ và ấn tượng không tốt với trái mãng cầu.
Thấu hiểu những khó khăn của người nông dân trồng mãng cầu, Công ty cổ phần Natani ra đời với mục tiêu nâng cao chất lượng, định vị giá trị và tìm đầu ra phù hợp cho sản phẩm mãng cầu Bà Ðen (Tây Ninh).
Theo ông Tân, hiện tại, công ty đã ký kết hợp tác, liên kết với bà con nông dân đầu tư sản xuất được trên 70 ha mãng cầu theo quy trình canh tác hữu cơ vi sinh, khuyến khích nông dân sử dụng phân hữu cơ vi sinh, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, phân hoá học, cùng với áp dụng tiến bộ khoa học vào quá trình canh tác như đầu tư hệ thống tưới và các cảm biến theo dõi lượng nước và tình trạng sức khoẻ cây trồng, từ đó tiết kiệm được từ 30% - 40% lượng nước và phân bón, sử dụng công nghệ tách bông, làm trái giúp tăng tỷ lệ đậu trái, tăng năng suất và chất lượng trái mãng cầu.
Hiện Natani đã ký hợp đồng với nhiều hệ thống bán lẻ lớn như: Aeon, Big C, Emart, Saigon Co.op… để đưa trái mãng cầu đến tay người tiêu dùng với phương châm lấy chất lượng làm thương hiệu. Ông Nguyễn Thế Tân cho biết thêm, trong thời gian tới sau khi áp dụng thành công công nghệ bảo quản sau thu hoạch, Natani sẽ tiến tới xuất khẩu trái mãng cầu ra nhiều nước trên thế giới.
Nguồn:baotayninh.vn
Ý kiến bạn đọc