BTN - Hiện nay, toàn tỉnh có 93 HTX, trong đó có 22 HTX được thành lập mới. Các HTX mới thành lập thu hút thêm 430 thành viên và 13,6 tỷ đồng vốn. Ðã có 7 HTX giải thể và 11 HTX ngưng hoạt động, đề nghị giải thể trong năm 2018.
Ông Nguyễn Tấn Tài- Phó Giám đốc HTX dịch vụ thuỷ lợi số 2 xã Thái Bình bên một tuyến kênh nội đồng.
Hạn chế chung của HTX là chưa xây dựng được chiến lược, phương hướng sản xuất, kinh doanh lâu dài; chưa nghiên cứu sâu, tìm hiểu và nắm bắt nhu cầu của thị trường nên việc sản xuất, kinh doanh vẫn chỉ dựa trên cái đã và đang có; chỉ chú trọng sản xuất, kinh doanh những dịch vụ, sản phẩm thị trường đang cần.
Hơn nữa, hoạt động sản xuất của các HTX còn manh mún, chưa có sự liên kết sản xuất giữa các thành viên để tạo ra một sản phẩm đồng nhất, đáp ứng nhu cầu của thị trường khắt khe. Mặt khác, nhiều HTX chưa phát huy được ưu thế của sức mạnh tập thể để thu hút, liên kết các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế khác đầu tư, tham gia chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm.
Trên địa bàn tỉnh còn có 7 HTX dịch vụ thuỷ lợi, với 907 thành viên, 292 triệu đồng vốn điều lệ. Các HTX chỉ hưởng được 8% thuỷ lợi phí quản lý kênh tưới tập trung ở huyện Châu Thành và Trảng Bàng. Nhìn chung các HTX dịch vụ thuỷ lợi hoạt động chưa hiệu quả.
HTX dịch vụ thuỷ lợi số 12 Trí Bình (xã Trí Bình, huyện Châu Thành) là một trong những HTX đang trong tình trạng hoạt động cầm chừng và mong muốn được giúp đỡ để chuyển hướng hoạt động. Ông Bia Văn Minh, Phó Chủ nhiệm HTX cho biết, HTX được thành lập vào năm 2008. Hiện nay, HTX hoạt động kinh doanh dịch vụ tưới, cơ bản vẫn trông chờ vào nguồn thu chính từ thuỷ lợi phí. Ðây là nguồn thu chủ yếu để nuôi sống HTX.
Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2014, ban nhân sự HTX (phần lớn hoạt động kiêm nhiệm) thiếu hụt, không đủ người quản lý HTX. Ông Minh đứng ra kêu gọi nhân sự vào HTX để tiếp tục hoạt động nhưng không ai mặn mà. HTX hiện chỉ có một phó chủ nhiệm, một kế toán, ba người phụ trách tổ đường nước. Trong khi đó, theo Luật HTX mới, ban giám đốc phải từ 7 người trở lên. Do không đủ nhân sự, nên HTX đang trong tình trạng hoạt động cầm chừng. “Lực bất tòng tâm” nên ông Minh đã đại diện HTX làm hồ sơ xin giải thể.
Theo ông Minh, nông dân không muốn góp vốn điều lệ để tham gia HTX vì cảm thấy không chắc chắn về hiệu quả hoạt động. Lúc mới thành lập, HTX có 45 thành viên tham gia hoạt động với số vốn điều lệ 4,5 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền này chỉ tồn tại... trên giấy bởi không một thành viên nào góp vốn cả. Hiện tại, HTX không có vốn hoạt động và cũng không biết sẽ tồn tại ra sao.
HTX phục vụ tưới toàn bộ diện tích đất nông nghiệp là 319 ha trên toàn xã, nhưng nguồn thu rất thấp. HTX hưởng 8% thuỷ lợi phí của từng loại cây trồng với diện tích đất nông nghiệp mà HTX quản lý tưới. Ðối với cây lúa, tiền công tưới 900.000 đồng/ha, HTX sẽ được trích 8% phí tưới, khoảng 70.000 đồng/ha; cây mì 380.000 đồng/ha, HTX hưởng 8%, tương đương 24.000 đồng/ha... Như vậy, một năm 3 vụ, tổng thu nhập của HTX khoảng 13-14 triệu đồng/vụ (4 tháng), bình quân 3-4 triệu đồng/tháng để chi trả lương cho người tham gia hoạt động trong HTX.
Cũng theo ông Minh, nếu HTX kêu gọi được nhiều người tham gia góp vốn hoạt động và được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, thay vì giải thể, HTX sẽ chuyển hướng hoạt động như sản xuất lúa giống; mua bán vật tư nông nghiệp phục vụ cho người dân trên địa bàn xã...
Ông Lê Phú Thành, Chủ tịch HÐQT HTX dịch vụ thuỷ lợi số 2 xã Thái Bình (Châu Thành) cho biết, HTX thành lập vào năm 2009, có 36 thành viên. Nhiệm vụ của HTX là điều tiết nước, nạo vét kênh nội đồng, kiểm tra diện tích tưới. Hiện nay, HTX đang trực tiếp quản lý 46 tuyến kênh nội đồng và điều hành cung cấp nước cho 21 tuyến kênh cấp 3 (do UBND xã quản lý).
Theo ông Thành, thời gian qua, HTX gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu kinh phí hoạt động. Nguồn kinh phí này cũng chủ yếu dựa vào 8% phí thuỷ lợi nhưng số tiền này thường được chi trả chậm cho HTX. Từ tháng 1.2017 cho đến nay, HTX chỉ mới nhận được phân nửa tiền thuỷ lợi phí.
HTX đang rất muốn phát triển theo hướng đa ngành nghề để tạo thêm nguồn thu, tăng thêm thu nhập cho các thành viên, chẳng hạn như kinh doanh lúa giống, buôn bán vật tư nông nghiệp… nhưng chưa làm được vì không có kinh phí, nhân lực, nhà kho, bến bãi. Trước đây, HTX tổ chức thu mua mủ cao su nhưng do không có đủ vốn, nên không cạnh tranh được với thương lái nên dừng hoạt động 3 tháng sau đó.
Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch HÐQT HTX dịch vụ nông nghiệp Mỏ Công (xã Mỏ Công, huyện Tân Biên) cho biết, HTX chủ yếu làm dịch vụ thuỷ lợi. Ngoài ra, HTX còn đóng vai trò trung gian cho nông dân mua phân bón của doanh nghiệp. Tương tự các HTX khác, kinh phí hoạt động của HTX rất khó khăn. HTX muốn phát triển thêm dịch vụ kinh doanh nhưng vẫn chưa làm được.
Nguồn:baotayninh.vn
Ý kiến bạn đọc