Xây dựng cánh đồng lớn để làm ăn lớn.
Xây dựng HTX kiểu mới
Xác định vai trò quan trọng của kinh tế tập thể trong tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh Trà Vinh, từ đó Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU, ngày 9/9/2014 về “Xây dựng và phát triển kinh tế tập thể tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2015 - 2020”, đồng thời thành lập ngay Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết. Đây được xem là động lực mới để Trà Vinh đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể theo đúng “quỹ đạo”, phù hợp với nhu cầu của người dân địa phương, từng bước đưa sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng hàng hóa, chất lượng, hiệu quả vững chắc.
Các hoạt động hỗ trợ HTX phát triển như tập trung xây dựng chặt chẽ mối liên kết “bốn nhà”; xây dựng thương hiệu hàng hóa để nâng cao giá trị và tăng sức cạnh tranh trên thị trường cho các sản phẩm mà HTX làm ra. Cụ thể nhất năm 2016, tỉnh Trà Vinh đưa vào vận hành Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, với nguồn vốn 10 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, qua đó đã giải ngân vay vốn cho cho 14 HTX với số tiền trên 4,7 tỉ đồng để thay đổi máy móc thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, tăng năng suất chất lượng sản phẩm.
Điển hình về sự quan tâm của hệ thống chính trị đối với hoạt động của HTX được thể hiện rõ nhất ở xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần, nơi có HTX nông nghiệp Rạch Lọp đang phát triển rất mạnh. Bà Nguyễn Thị Kiều Diễm, Bí thư Đảng uỷ xã Tân Hùng, chia sẻ với chúng tôi: Thời gian qua Đảng uỷ, UBND, đoàn thể chính trị xã hội đã tạo điều kiện và hỗ trợ rất nhiều cho HTX Rạch Lọp. Khi mới thành lập, Đảng uỷ, UBND xã cho HTX mượn 1 phòng làm trụ sở tạm và 1 phòng để làm kho dự trữ lúa giống phân thuốc. Quá trình hoạt động, Đảng uỷ, UBND xã luôn sát cánh với HTX….
Bà Diễm cho biết thêm: Ngoài ra chúng tôi còn cùng sáng lập viên, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia vào HTX. Do đặc thù là xã có đông đồng bào Khmer sinh sống, vì vậy, chúng tôi đã thông qua các vị sư sãi, người có uy tín trong chùa để vận động bà con tham gia HTX, qua đó khi thành lập HTX chỉ có 412 thành viên và sau 1 năm đi vào hoạt động có thêm 100 hộ nông dân đăng ký tham gia thành viên HTX. Điểm nổi bật của HTX là việc triển khai các hoạt động hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất cụ thể như: Khi thành viên HTX thu hoạch lúa, cán bộ quản lý HTX xuống tận nhà thành viên làm đầu mối để thống nhất giá thuê máy gặt đập. Từ đó, giúp thành viên giảm chi phí thu hoạch từ 200.000 - 300.000 đồng/ha.
Bà Diễm cho biết thêm, chúng tôi còn khuyến khích, vận động các đảng viên của xã tham gia thành viên của HTX, đến nay trên địa bàn đã có 168/290 đảng viên tham gia HTX; ngoài ra các hội đoàn thể cũng tham gia vào HTX, như hội Cựu chiến binh có 214/291 thành viên tham gia HTX, các hội đoàn thể khác cũng tham gia trên 70 đến 80% hội viên.
Nhân rộng các mô hình HTX làm ăn hiệu quả
Những ngày cận Tết nguyên đán, ông Nguyễn Văn Hoàng tranh thủ đi sắm một ít đồ để ăn tết, vụ lúa Đông Xuân năm nay gia đình ông tiếp tục trúng cả năng xuất và giá. Chia sẻ với chúng tôi ông Hoàng hồ hởi nói: Đây là vụ lúa thứ 3 sau khi tham gia vào HTX có lời. Trước đó khi chưa tham gia vào HTX giá cả bấp bênh, trong khi chi phí cho sản xuất lại cao, giá cả thì bị thương lái ép. Tham gia vào HTX nông nghiệp Rạch Lọp từ giống lúa, phân bón đều được mua với giá rẻ và chất lượng, lại được kỹ sư hướng dẫn chăm sóc tận tình, đến khi thu hoạch HTX lo luôn cho dân về đầu ra, giá lúa lúc nào cũng cao hơn thị trường từ 300 đến 500 đồng/1 kg…
Cán bộ nông nghiệp HTX nông nghiệp Rạch Lọp hướng dẫn xã viên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách.
Hợp tác xã nông nghiệp Rạch Lọp tại xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần được thành lập vào cuối năm 2016, đến nay có 512 thành viên, với tổng vốn điều lệ trên 1 tỷ đồng, có tổng diện tích sản xuất trên 430 ha; trong đó diện tích đất trồng lúa 308 ha, phần diện tích còn lại trồng dừa, màu và nuôi thuỷ sản. Đây là vụ lúa thứ 3 liên tiếp HTX ký hợp đồng thu mua lúa cho các thành viên. Qua 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu, lợi nhuận tăng thêm cho thành viên gần 500 triệu đồng.
Ông Huỳnh Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp Rạch Lọp cho biết, thời gian qua chúng tôi đang tập trung làm sao giúp nông dân có lời, chưa tính lời cho HTX, các thành viên trong HTX không những được đảm bảo đầu ra, còn được cung cấp giống lúa chất lượng, hỗ trợ kỹ thuật canh tác và được thuê máy gặt đập liên hợp với giá cả hợp lý…
Đến xã Long Hòa, huyện Châu Thành, chúng tôi được nghe nói nhiều về hoạt động của HTX Tiến Thành ở ấp Hai Thủ, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, nuôi nghêu thương phẩm. Đây là HTX hoạt động có hiệu quả và có nhiều thành viên nhất của huyện Châu Thành, với 282 thành viên, tuy nhiên điều đặc biệt là có trên 48,23% với 136 thành viên là hộ nghèo. Vốn góp lên đến 5,8 tỷ đồng.
Thời gian qua HTX nuôi nghêu Tiến Thành đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của xã Long Hòa. Điểm nổi bật của HTX Tiến Thành là một tổ chức có hai tính chất: Vừa là tổ chức kinh tế, vừa là cộng đồng xã hội. Thành viên thực hiện vai trò làm chủ của mình bằng cách tham gia vào quá trình ra quyết định: “Đại hội thành viên có quyền quyết định cao nhất của HTX”, “Thành viên có quyền bình đẳng, biểu quyết ngang nhau không phụ thuộc vốn góp”.
Theo báo cáo của Hội đồng quản trị HTX Tiến Thành từ khi thành lập đến nay vụ nuôi nghêu nào cũng có lãi, có lúc lãi lên đến 750 ngàn đồng/cổ phần. Trong 10 năm hoạt động, HTX Tiến Thành đã giải quyết hơn 60 thành viên thoát nghèo bền vững, từ nghèo lên khá, từ khá làm giàu. Bên cạnh đó, HTX còn hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cấp học bổng và đỡ đầu cho học sinh nghèo hiếu học. Đồng thời, giải quyết cho hơn 31 lượt thanh niên lao động có việc làm ổn định.
Mặc dù mới thành lập được hơn 2 năm, nhưng HTX nông nghiệp Thành Công ở xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú đã tích cực hỗ trợ thành viên và nông dân phá triển sản xuất. Hợp tác xã không chỉ mang lại lợi ích cho thành viên mà còn liên kết chặt chẽ với nông dân, giúp họ sản xuất bền vững, tăng thu nhập. Qua 2 năm hoạt động, số thành viên đã tăng lên 18 người và số nông dân tham gia sản xuất cho HTX lên đến gần 300 người. Sản phẩm chính của HTX là ớt chỉ thiên và cây cà nâu. Trong hoạt động HTX phân công nhiệm vụ và khuyến khích các thành viên bằng việc, phân công mỗi thành viên đảm nhận một tổ hợp tác, chịu trách nhiệm cung ứng vật tư, ớt giống, thu mua sản phẩm… Thành viên nào vận động được nhiều nông dân tham gia sản xuất, cung ứng được nhiều vật tư nông nghiệp và sản phẩm thì được hưởng nhiều khoản chiết khấu. Kể cả hộ nông dân nếu tổ chức được tổ sản xuất của riêng mình để ký kết với HTX cũng được hưởng quyền lợi như thành viên.
Với phương thức làm ăn năng động nên 2 năm liền thành viên và nông dân trồng ớt bán cho HTX luôn đảm bảo được mức lợi nhuận thấp nhất 50 triệu đồng/ha theo giá bao tiêu và khi giá ớt thị trường tăng cao thì mức lợi nhuận tăng theo. Số lao động làm các công việc sơ chế ớt mỗi ngày thu nhập từ 60.000 - 200.000 đồng/người/ngày.
Chia sẻ với phóng viên về vụ ớt năm nay, ông Thạch Sô Phanh, nông dân trồng ớt cho HTX Thành Công cho biết: Hai năm qua, tôi ký kết trồng 3.000 m2 ớt chỉ thiên với giá bao tiêu 11.000 đồng/kg. Giá ớt trong 2 năm liên tục ổn định mức 15.000 đồng/kg, năng suất ớt đạt bình quân 25 tấn/ha, trừ chi phí năm nào ông cũng thu lợi nhuận gần 50 triệu đồng. Vụ ớt cuối năm giá cả có tăng hơn so với năm rồi, từ thu nhập ổn định các vụ trong năm nên Tết năm nay sẽ đầy đủ và ấm cúng hơn nhiều…
Xây dựng “cánh đồng lớn” để làm ăn lớn
Theo lãnh đạo Tỉnh uỷ Trà Vinh, tỉnh đã vận động khuyến khích xây dựng được 28 mô hình sản xuất cánh đồng lớn. Trong đó có 17 mô hình cánh đồng lớn trồng lúa với diện tích trên 33.367 ha và 11 cánh đồng lớn trồng mía với diện tích hơn 272 ha. Với quyết tâm xây dựng các “cánh đồng lớn” để làm ăn lớn, hệ thống chính quyền tỉnh Trà Vinh đã tích cực vận động các tổ hợp tác, HTX cùng tham gia sản xuất trong “cánh đồng lớn”, đồng thời đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ.
Cụ thể, chính sách hỗ trợ đối với tổ chức đại diện của nông dân tổ hợp tác, HTX khi thực hiện “cánh đồng lớn” trồng lúa, được tỉnh Trà Vinh hỗ trợ chi phí cho các thành viên về thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, tiền thuê máy móc sản xuất với mức 450.000 đồng/ha/vụ năm đầu và 300.000 đồng/ha/vụ năm thứ 2. Còn đối với “cánh đồng lớn” trồng cây công nghiệp ngắn ngày được hỗ trợ 380.000 đồng/ha/vụ năm vụ đầu và 250.000 đồng/ha/vụ năm vụ thứ 2. Về cây ăn trái, cây dừa được hỗ trợ 600.000 đồng/ha/vụ và 400.000 đồng/ha/vụ năm thứ 2.
Đối với cá nhân là nông dân khi tham gia thực hiện “cánh đồng lớn” trồng lúa sử dụng giống từ cấp xác nhận trở lên được hỗ trợ 540.000 đồng/ha/vụ đầu tiên. Riêng “cánh đồng lớn” trồng các loại cây màu, gồm: Khoai môn hỗ trợ 4,5 triệu đồng/ha, khoai lang hỗ trợ 630.000 đồng/ha, ngô hỗ trợ 1.960.000 đồng/ha, rau ăn lá hỗ trợ 720.000 đồng/ha, rau ăn trái hỗ trợ 900.000 đồng/ha, ớt hỗ trợ 2.930.000 đồng/ha, bí đỏ hỗ trợ 1.350.000 đồng/ha, dưa hấu hỗ trợ 1.200.000 đồng/ha…
Ông Trần Trung Hiền, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh: Việc triển khai, thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất cánh đồng lớn của tỉnh nhằm phát triển kinh tế tập thể, khuyến khích nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, góp phần thúc đẩy nhanh chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới…
Ông Trần Trí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy Trà Vinh đó là: Nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng và phát triển các HTX theo mô hình kiểu mới là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, thông qua HTX để tiếp sức, hỗ trợ cho người dân phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.
Qua thời gian ngắn thực hiện xây dựng mô hình HTX kiểu mới ở Trà Vinh bước đầu đã đạt được kết quả khả quan. Cho đến thời điểm này có thể nói Trà Vinh là tỉnh tiêu biểu trong khu vực ĐBSCL từ việc chuyển đổi mô hình HTX kiểu cũ sang mới đến việc củng cố, nâng cao cả về số lượng và chất lượng HTX, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn…
Theo Đại đoàn kết
Ý kiến bạn đọc