Phát triển logistics kết nối chuỗi giá trị nông sản

Thứ tư - 25/03/2020 18:00 55 0

Phát triển logistics kết nối chuỗi giá trị nông sản

Việc hàng nghìn tấn nông sản bị ứ đọng do dịch Covid-19, không thể xuất khẩu, có nguy cơ giảm chất lượng không chỉ đặt ra bài toán về thị trường tiêu thụ mà còn liên quan đến tất cả các khâu, trong đó có chuỗi giá trị cung ứng (logistics). Vì vậy, để nông nghiệp đảm bảo giá trị bền vững, việc đầu tư cho chuỗi logistics có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ giúp nâng cao giá trị nông sản mà còn đẩy mạnh việc xuất khẩu sang các thị trường lớn. 
24.3.6.jpg
Bốc xếp hàng hóa tại khu vực kiểm hàng hóa cầu Bắc luân II. Ảnh: Hữu Việt

Trung Quốc hiện vẫn đang là thị trường lớn xuất khẩu nông sản lớn nhất của Quảng Ninh. Phát triển logistics kết nối chuỗi giá trị nông sản, Quảng Ninh có nhiều lợi thế. Trong đó có đường biển dài, các cảng tàu lớn và biên giới tiếp giáp Trung Quốc, nhiều cửa khẩu thông thương, giao lưu hàng hóa. Trên địa bàn tỉnh có 14 vùng trồng trọt, 3 cơ sở đóng gói, 9 doanh nghiệp thủy sản được cấp mã đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường này. Toàn tỉnh có 392 sản phẩm với 152 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP, trong đó, 191 sản phẩm đạt sao theo Bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP của tỉnh.

Từ năm 2018, phía Trung Quốc tăng cường hệ thống quản lý và có những yêu cầu nhất định về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, nhãn mác, bao bì, nguồn gốc xuất xứ... Dù vậy, mới chỉ có số ít doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản thay đổi để thích ứng với những yêu cầu mới.

Đơn cử, với mặt hàng thủy sản, giá trị xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 24,4 triệu USD/năm, trong đó đến 75% trong số đó tiêu thụ dưới dạng tươi sống. Điều đó đồng nghĩa với việc các loại mặt hàng này phụ thuộc hoàn toàn vào khâu bảo quản, lưu giữ hàng hóa hay còn gọi là dịch vụ logistics để đảm bảo chất lượng.

Tuy nhiên, việc bảo quản thủy sản để xuất khẩu chủ yếu chỉ dừng ở khâu ướp đá. Như tôm thẻ chân trắng của Móng Cái, nếu muốn xuất khẩu trực tiếp qua Trung Quốc, người dân ướp đá, đóng thùng xốp, sau đó tự vận chuyển qua cầu phao, biên mậu. Nay hoạt động xuất nhập khẩu siết chặt, người dân phải tìm hiểu sâu hơn để đáp ứng các yêu cầu về dịch vụ logistics.

Có thể thấy, yếu tố hạn chế trong chuỗi logistics chính là hệ thống kho bãi, cơ sở chế biến sơ chế nông sản còn thiếu, quy mô nhỏ, chuỗi lạnh còn chưa phổ biến, hàng nông sản chủ yếu là xuất khẩu thô. Ngoài ra, một trong những vấn đề khiến ngành dịch vụ logistics chưa phát triển chính là chi phí logistics. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, chi phí logistics cho xuất khẩu nông sản trung bình chiếm tỷ lệ khoảng 20-25%, khá cao so với các nước trong khu vực (khoảng 10-15%).

Bên cạnh đó, do đặc điểm của nông sản là sản phẩm tươi sống nên dịch vụ logistics cũng đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, đầu tư hạ tầng kho, bãi tốn kém hơn nhiều loại hàng hoá khác. Ngoài ra, phần lớn đội ngũ nhân lực logistics thiếu kinh nghiệm, hiểu biết về đặc tính nông sản.

24.3.7.jpg

Người dân thôn 3 (xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái) thu hoạch tôm thẻ chân trắng, tháng 11/2019.

Có thể thấy, chuỗi giá trị cung ứng logistics còn hạn chế đã đặt nông sản vào tình trạng dồn ứ, bị động, khó tiêu thụ. Thực tế, hiện nay dịch Covid-19 đã khiến hàng loạt mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh bị tồn đọng, như: 3.000 tấn ngao 2 cùi, ngao hoa; hơn 7.000 tấn hàu Thái Bình Dương, hàu cửa sông, trứng gà, tôm... không thể xuất khẩu.

Từ thực tế đó đã đặt ra yêu cầu cấp bách, cũng như nhiệm vụ lâu dài là phải đẩy nhanh hơn nữa dịch vụ logistics, gia công chế biến, bảo quản, vận chuyển. Bởi những lĩnh vực này hiện còn khá khiêm tốn, chưa đáp ứng được yêu cầu của chuỗi cung ứng trong tỉnh.

Việc hàng nghìn tấn nông sản bị ứ đọng do dịch Covid-19, không thể xuất khẩu, có nguy cơ giảm chất lượng không chỉ đặt ra bài toán về thị trường tiêu thụ mà còn liên quan đến tất cả các khâu, trong đó có chuỗi giá trị cung ứng (logistics). Vì vậy, để nông nghiệp đảm bảo giá trị bền vững, việc đầu tư cho chuỗi logistics có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ giúp nâng cao giá trị nông sản mà còn đẩy mạnh việc xuất khẩu sang các thị trường lớn.

Theo ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, đối với hoạt động xuất khẩu sản phẩm từ nông lâm thủy sản, hiện nay cửa khẩu Bắc Luân, cửa khẩu Bắc Luân II và cầu phao Km4 Thành Đạt đã thông thương trở lại. Tuy nhiên trong thời gian đầu cho thông quan các loại hàng: Hoa quả, nông sản, bột sắn, hạt điều, thủy sản tươi sống, vì vậy Sở tiếp tục phối hợp với UBND TP Móng Cái và các cục chuyên ngành của Bộ NN&PTNT theo sát diễn biến để kịp thời khuyến cáo đến người sản xuất cũng như các cơ sở thu mua, chế biến xuất khẩu nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hoàn thiện thủ tục bổ sung danh mục hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Trước mắt, để phát triển chuỗi giá trị cung ứng, đáp ứng việc xuất khẩu nông sản trên địa bàn, tỉnh đã có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng dể kinh doanh dịch vụ logistics, như: Kho bãi, dịch vụ bốc xếp, vận tải với năng lực thông quan đạt 4.000 xe containner/ngày.

Cùng với đó, sự kết nối chặt chẽ ở các cửa khẩu lớn, nối liền biên giới hai nước cũng được tăng cường như: Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, cầu Bắc Luân II, Cảng cạn ICD Thành Đạt... Song song là hàng loạt các tuyến đường cao tốc được đầu tư xây dựng, góp phần kết nối tiêu thụ nông sản, giảm thời gian vận chuyển.

Theo Dương Hà/Báo Quảng Ninh

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập32
  • Hôm nay819
  • Tháng hiện tại7,745
  • Tổng lượt truy cập348,414
hộp thư điện tử
Lịch công tác
cổng thông tin điện tử Tây Ninh
cải cách hành chính
công báo
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây