Nguồn vốn, nhân lực và cách quản trị, thị trường tiêu thụ đang là vấn đề đặt ra cho các hợp tác xã không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới.
Thời gian qua, số lượng Hợp tác xã (HTX) không ngừng tăng lên, doanh thu và thu nhập của thành viên, người lao động trong HTX dần được cải thiện, giúp nâng cao đời sống kinh tế hộ thành viên, góp phần thực hiện xoá đói giảm nghèo, ổn định an ninh, chính trị cho xã hội.
Tuy nhiên, thực tiễn phát triển khu vực kinh tế tập thể tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ đa số còn yếu, cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật của HTX nghèo nàn. Các thách thức này đặt ra yêu cầu, đòi hỏi bức thiết đối với khu vực kinh tế tập thể cần thay đổi, phát huy các lợi thế và vận dụng kinh nghiệm quốc tế vào hoàn thiện chính sách để phát triển khu vực kinh tế tập thể, HTX của Việt Nam.
Luật HTX đã qua 3 lần ban hành, sửa đổi, bổ sung vào các năm 1996, 2003 và 2012 tạo hành lang pháp lý quan trọng phát triển các HTX tại Việt Nam trong thời gian vừa qua, tiếp cận gần hơn với bản chất, giá trị, nguyên tắc trên thế giới và bước đầu tác động tích cực đến tổ chức và hoạt động của các HTX.
Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc HTX Nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân, Bắc Giang chuyên sản xuất hàng nông sản cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu cho rằng, vấn đề quan trọng để HTX phù hợp với thị trường hiện nay là có chính sách hỗ trợ về đất đai.
“Các HTX không cần Nhà nước cho đất, mà cần chính sách làm sao chuyển đổi đất. Có thể HTX mua hoặc thuê đất từ các thành viên HTX để chuyển đổi lên đất xây dựng kho xưởng. Hiện nay nếu thu mua sản phẩm tại vườn để chuyển ra thị trường sẽ không hợp lý, vì sản phẩm còn phải qua sơ chế, vệ sinh mới vào được các hệ thống siêu thị”, ông Dũng nêu.
Trong bối cảnh mới, khu vực kinh tế hợp tác, HTX đối mặt với rất nhiều thách thức từ sự phát triển bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0; từ áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong nền kinh tế thị trường; tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn; biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra với tốc độ rất nhanh...
Đơn cử như trong dịch vụ tiêu thụ sản phẩm, HTX được hưởng các hoa hồng do các công ty chi trả, nhưng lại phải đóng các loại thuế doanh thu, thuế thu nhập, nên gây khó khăn và chưa động viên cho HTX hoạt động, vì các thành viên chủ yếu hưởng lương và phụ cấp từ lợi nhuận của các dịch vụ đó mang lại. Trong khi dịch vụ bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân lại khá khó khăn, nhiều ý kiến đề xuất cần miễn giảm trong thời gian đầu, để tạo điều kiện cho HTX phát triển.
Ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Bình Định, Thái Bình mỗi năm bao tiêu cho bà con 1.000-1.300 tấn lúa, mang lại doanh thu từ 10-12 tỷ đồng, trong đó giá trị gia tăng từ 4-4,5 tỷ đồng. Ông Sơn nêu thực tế cần tháo gỡ trong tiêu thụ sản phẩm theo đơn đặt hàng của DN, nên mỗi năm cũng chỉ tiêu thụ được cho bà con nông dân vào khoảng 1/3 sản lượng. Trong khi đó việc tham gia tích tụ ruộng đất, sản xuất theo chuỗi và đáp ứng được năng lực về sản lượng cũng như chất lượng cho các thành viên còn rất khó khăn. “Hy vọng sẽ có chính sách hỗ trợ chung cho các HTX trong khâu quy hoạch sản xuất theo chuỗi và vùng sản xuất lớn để kích cầu cho HTX liên kết với các bà con nông dân hoạt động theo chuỗi”, ông Sơn mong muốn.
Nguồn vốn, nhân lực và cách quản trị, thị trường tiêu thụ đang là vấn đề đặt ra cho các HTX không chỉ ở Việt nam mà nhiều nước trên thế giới. Ở Philippines có hơn 27 loại hình HTX có nhiều ngành nghề kinh doanh, lĩnh vực hoạt động khác nhau. Bà Elizabeth Organo Batonan, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký, Giám sát và kiểm tra, Cơ quan phát triển HTX Philippines CDA chia sẻ, cơ quan phát triển HTX chủ trì các dự án hỗ trợ thực chất cho các HTX. Đồng thời, các ban ngành khác cũng có nghĩa vụ cung cấp dịch vụ, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính để HTX phát triển. “Với nhiều ngành nghề kinh doanh nên CDA còn kết nối các HTX với nhau, hoặc các HTX với cơ quan chức năng theo ngành nghề để nhận được sự hỗ trợ phù hợp”, bà Elizabeth Organo Batonan chia sẻ kinh nghiệm.
Luật HTX năm 2023 vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV và sẽ có hiệu lực từ 1/7/2024. Hiện nay, Bộ KH&ĐT được giao chủ trì xây dựng các Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành Luật HTX năm 2023, trong đó có Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật HTX để có thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế tập thể.
Ông Đỗ Mạnh Khởi, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác, Bộ KH&ĐT cho biết, Bộ được giao và đang trình Chính phủ để ban hành Chương trình tổng thể hỗ trợ cho kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn 2026 – 2030, tiếp nối cho Quyết định 1804 của Chính phủ hỗ trợ giai đoạn 2021-2025.
“Có thể nói rằng, cả Trung ương Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành đã đồng hành để hoàn thiện các hệ thống thể chế, chính sách cho phát triển kinh tế tập thể, HTX. Hy vọng trong thời gian tới các địa phương, ban ngành tại 63 tỉnh thành sẽ triển khai cho HTX, kinh tế tập thể sẽ thụ hưởng chính sách mức cao nhất của đất nước của Chính phủ hỗ trợ”, ông Khởi thông tin.
Kỳ vọng thời gian tới, Luật HTX 2023 đi vào cuộc sống, với nhiều chính sách của Nhà nước tháo gỡ kịp thời về nguồn vốn, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử…hay những chính sách ưu đãi về đất đai sẽ tạo điều kiện cho các HTX phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh nâng cao giá trị sản phẩm.
Xuân Lan/VOV1
Ý kiến bạn đọc