Trong các báo cáo với Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ trước thềm Đại hội V, Liên minh HTX Việt Nam đã chính thức kiến nghị từ 10 đến 13 nội dung rất cụ thể, nhằm tháo gỡ cơ chế chính sách phát triển HTX, nâng cao vị thế Liên minh HTX và thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII.
Khẳng định rõ hơn vai trò tổ chức
Liên minh HTX Việt Nam đề nghị Trung ương xem xét và phê duyệt Đề án “Liên minh HTX Việt Nam là tổ chức kinh tế - chính trị - xã hội đáp ứng yêu cầu tình hình mới”, đồng thời xác định Liên minh HTX Việt Nam không phải là tổ chức hội. Trong luật chuyên ngành, Điều 58 của Luật HTX 2012, đã quy định rõ hoạt động Liên minh HTX Việt Nam, nên tổ chức này không chịu sự điều chỉnh của Luật Hội.
Hơn nữa, trong các chủ trương lớn của Đảng, như Nghị quyết Trung ương V (khóa IX), đặc biệt mới đây là Kết luận 56 của Bộ Chính trị… đều nêu rõ sự cần thiết củng cố hệ thống Liên minh HTX, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tăng cường vai trò, trách nhiệm của Liên minh trong phát triển kinh tế hợp tác, mở rộng hoạt động trong một số lĩnh vực và dịch vụ…
Và trên thực tế, các văn bản pháp quy của Chính phủ từ năm 1955 đến nay đều cho thấy bản chất kinh tế của Liên minh HTX Việt Nam, đều khẳng định đây là lực lượng sản xuất vật chất đa ngành nghề và đa lĩnh vực.
Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, khởi đầu từ các tổ chức tiền thân, như Ban quản lý HTX mua bán Trung ương, Hội đồng Trung ương các DN ngoài quốc doanh, Liên hiệp tiểu thủ công mỹ nghệ xuất khẩu…, đến nay, hệ thống Liên minh HTX đã hình thành khá hoàn chỉnh bộ máy, tổ chức từ Trung ương đến 63 tỉnh, thành phố cả nước.
Như thế, việc khẳng định bản chất tổ chức Liên minh HTX phù hợp với chủ trương của Đảng và xu thế phát triển HTX càng có ý nghĩa quan trọng, vừa khơi dậy tiềm năng, lợi thế của đất nước, vừa phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Tìm động lực mới phát triển HTX
Liên minh HTX Việt Nam đề xuất Trung ương cho tổng kết 15 năm Nghị quyết Trung ương V (khóa IX) và 5 năm thực thi Luật HTX 2012, từ đó ban hành Nghị quyết mới về kinh tế hợp tác, HTX phù hợp với tình hình mới hiện nay. Đặc biệt là kiến nghị sớm thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phát triển kinh tế hợp tác, trong đó Liên minh HTX giữ vai trò cơ quan thường trực.
Và để khắc phục thực trạng quản lý nhà nước về HTX, không tăng biên chế và tận dụng tối đa tổ chức bộ máy hệ thống Liên minh HTX các cấp, Liên minh HTX Việt Nam đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành xem xét giao Liên minh HTX một số chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về HTX, điều chuyển và kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách HTX đến cấp phường xã, thống nhất giao Liên minh HTX là đầu mối tham mưu các giải pháp phát triển HTX, thay vì phân tán quá nhiều đầu mối mà thiếu tính hiệu quả như hiện nay.
Chủ tịch Võ Kim Cự kiến nghị với Đoàn giám sát Quốc hội về những khó khăn của HTX
Liên minh HTX Việt Nam đề xuất Chính phủ tạo điều kiện để Liên minh HTX tham gia và lồng ghép phát triển HTX vào chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và các chương trình khác. Đồng thời, Chính phủ bố trí đủ vốn trung hạn 5 năm theo Quyết định 2261 và Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ, cũng như việc triển khai 5 đề án trọng tâm xuyên suốt trong hệ thống Liên minh HTX nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác, HTX.
Đề nghị Chính phủ tăng cường bổ sung, khơi thông và ban hành đồng bộ cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, HTX, để Nhà nước thực sự là “bà đỡ” hỗ trợ vốn, công nghệ, thị trường…, đồng thời khơi dậy động lực phát triển kinh tế tư nhân, HTX theo đúng Điều 6 Luật HTX 2012.
Ngoài các giải pháp tăng cường hợp tác đối ngoại, định kỳ đối thoại và biểu dương HTX và một số kiến nghị cụ thể khác, Liên minh HTX Việt Nam còn một đề xuất quan trọng với Trung ương là giao Liên minh HTX chủ trì phối hợp với các bộ ngành và địa phương xây dựng thí điểm mô hình HTX kiểu mới, Liên hiệp HTX, doanh nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, ưu tiên mô hình HTX chuyên sản xuất cung ứng nông sản thực phẩm an toàn tại các đô thị lớn, khu đông dân cư, các vùng và liên vùng…
Theo Thời Báo Kinh Doanh