Để mô hình hợp tác vùng dân tộc thiểu số và miền núi tồn tại và phát triển bền vững rất cần phải đón bắt xu thế tích hợp đa giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn.
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Khoá XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới nêu quan điểm chỉ đạo: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố, phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân” và “có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”.
Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn.
Nhờ làm ăn hiệu quả nên các hợp tác xã đã có điều kiện và nguồn vốn để từng bước đầu tư máy móc nông cụ hiện đại phục vụ sản xuất (ảnh: TQ) |
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam cho rằng, với những đóng góp to lớn đã được khẳng định trong thực tiễn, cộng với dư địa phát triển còn rất rộng thì tập trung phát triển kinh tế hợp tác xã (HTX) tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS & MN) gắn với thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS & MN là phù hợp với mục tiêu, quan điểm, giải pháp trong Nghị quyết số 20 của Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới và Nghị quyết số 88 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS & MN giai đoạn 2021 - 2030.
Tuy nhiên, phát triển kinh tế HTX ở vùng DTTS & MN cần phải có những cách làm mới, liên kết chuỗi giá trị theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường. Bởi lẽ nếu mỗi hộ dân sản xuất riêng lẻ sẽ rất khó để tạo vùng nguyên liệu hàng hoá lớn và có chất lượng đồng đều. Ở vùng DTTS & MN, đẩy mạnh phát triển HTX gắn với sản phẩm OCOP là con đường đúng đắn.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 31/10/2022, cả nước có 8.565 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên; 4.392 chủ thể OCOP có sản phẩm đạt 3 sao trở lên. Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang liên kết chuỗi giá trị theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và nhu cầu thị trường.
Hợp tác xã Quế - Thạch đen Tân Hòa là mô hình đầu tiên phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết sản phẩm tại xã Tân Hòa - xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn. Xã Tân Hoà có gần 90% dân số là đồng bào dân tộc Dao. Những năm gần đây, theo định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương, bà con tập trung trồng quế, tạo thành vùng nguyên liệu gần 600 ha, trở thành xã có diện tích quế lớn nhất huyện.
Sinh ra và lớn lên ở huyện Văn Yên - “thủ phủ” quế của tỉnh Yên Bái, anh Nguyễn Văn Võ có nhiều kinh nghiệm trồng, chăm sóc và chế biến các sản phẩm từ quế. Năm 2014, anh kết hôn với chị Đặng Thị Tàn, dân tộc Dao. Sau đó, anh chị quyết định lập nghiệp bằng việc thành lập Hợp tác xã Quế - Thạch Đen Tân Hoà. Hợp tác xã hoạt động theo chuỗi, bắt đầu từ việc cung ứng cây giống và kết thúc bằng việc bao tiêu sản phẩm cho thành viên nói riêng, người dân trên địa bàn nói chung.
Đầu tiên, HTX lập vườn ươm 80 vạn cây quế giống trên diện tích 07 sào đất. Hạt giống được tuyển chọn từ những cây sạch bệnh, năng suất cao tại tỉnh Yên Bái, tỷ lệ nảy mầm đạt trên 90%, cây khỏe, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, được người dân tin tưởng.
Bằng cách làm đó, HTX đã sản xuất và cung cấp ra thị trường gần 50 vạn cây giống, đem lại doanh thu gần 500 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 5 đến 7 lao động cố định với mức lương từ 5 - 6 triệu đồng và 30 lao động thời vụ.
Ngoài sản xuất cây giống, HTX còn thu mua gần 100 tấn vỏ quế và thạch đen, mang lại hàng tỷ đồng cho bà con. Anh Hoàng Văn Tiến cho biết, trước khi vào HTX, anh thường bị tư thương ép giá. Tham gia HTX, anh được bao tiêu sản phẩm nên thu nhập ổn định, năm sau cao hơn năm trước.
Trăn trở thấy đầu ra của gần 600ha quế chủ yếu là bán cho tư thương, thường bị ép giá, trong khi còn nhiều sản phẩm của cây quế vẫn chưa được tận dụng, vợ chồng anh Võ và các thành viên HTX đang từng bước xây dựng cơ sở vật chất và đầu tư trang thiết bị máy móc phục vụ cho việc sản xuất, chế biến. Nguyện vọng của anh Võ và các thành viên HTX là tạo chuỗi liên kết, từ cung ứng giống cây trồng đến thu mua, sơ chế, tạo đầu ra cho sản phẩm, giúp người nông dân yên tâm phát triển rừng trồng.
Hướng đi này của HTX nhận được sự tin tưởng từ người dân và sự ủng hộ của chính quyền địa phương. Hiện nay, toàn xã có 175 hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội trên 7,9 tỷ đồng để mở rộng quy mô trồng quế. Nhiều hộ trồng quế đã đăng kí tham gia vào HTX.
Ông Hoàng Kim Viện, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa khẳng định, vợ chồng anh Võ là những người đầu tiên đặt nền móng xây dựng mô hình HTX phát triển theo chuỗi giá trị, mở ra hướng đi vững chắc cho vùng quế của xã Tân Hòa và các xã lân cận.
Đường đi của Hợp tác xã Quế - Thạch đen Tân Hoà hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng là phát triển mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng và địa phương, trong đó HTX là nòng cốt.
Vườn ươm quế giống của Hợp tác xã Quế - Thạch đen Tân Hòa |
Về phía Nhà nước cũng đang có những chính sách nhằm cụ thể hoá chủ trương của Đảng và tiếp sức cho các HTX, THT phát triển. Thực hiện Nghị quyết số 88 của Quốc hội, trong Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng DTTS & MN đã thiết kế một số tiểu dự án liên quan đến hỗ trợ hoạt động của HTX, nhất là những HTX chế biến nông, lâm sản.
Tại Nghị định số 28/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng DTTS & MN cho phép HTX, liên hiệp HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người DTTS, thuộc đối tượng được vay vốn theo quy định tại Nghị định này được vay vốn tín dụng ưu đãi do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay.
HTX, liên hiệp HTX tham gia vào Dự án phát triển vùng trồng dược liệu quý có thể được vay không vượt quá 45% tổng mức đầu tư dự án và không vượt quá 96 tỷ đồng trong thời hạn tối đa là 10 năm; lãi suất cho vay 3,96%/năm; lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
HTX tham gia vào chuỗi giá trị có từ 70% tổng số lao động trở lên là người DTTS được vay tối đa là 02 tỷ đồng/khách hàng, thời hạn cho vay tối đa là 5 năm. Lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh đối với hộ cận nghèo quy định trong từng thời kỳ. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
Những chính sách tín dụng ưu đãi với cơ chế đặc thù về thủ tục, mức vốn, lãi suất được kỳ vọng là đủ sức hấp dẫn, tạo xung lực mới để HTX, liên hiệp HTX tham gia tích cực vào quá trình khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh, tạo sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, thúc đẩy phát triển KT-XH vùng DTTS & MN.
Tuy nhiên, bên cạnh các cơ chế, chính sách trong Chương trình MTQG, Liên minh hợp tác xã Việt Nam đề nghị Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu để lấp đầy khoảng trống pháp lý khi nhiều chính sách chưa có quy định đối tượng thụ hưởng là HTX, như các chính sách tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…
Tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật và chính sách hỗ trợ đặc thù để tạo điều kiện thuận lợi cho HTX thành lập và hoạt động; sửa đổi một số quy định của Luật HTX 2012, Luật Đất đai... và các pháp luật liên quan, có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy tích tụ và tập trung ruộng đất, tạo điều kiện cho HTX sản xuất theo mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”.
Mặt khác, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị -xã hội, các hiệp hội ngành hàng, vai trò nòng cột của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế tập thể, HTX vùng DTTS & MN.
Để thúc đẩy kinh tế HTX, công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng. Một mặt phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân vùng DTTS & MN về bản chất của kinh tế tập thể, HTX, nhất là về HTX kiểu mới theo phương châm “Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra, Dân thụ hưởng”.
Mặt nữa, theo khảo sát của Liên minh HTX Việt Nam, đến cuối năm 2022, mới chỉ có 18,7% số HTX nông nghiệp nắm được thông tin và tiếp cận chính sách hỗ trợ phát triển trong các chương trình MTQG là còn quá khiêm tốn.
Do đó, trong công tác tuyên truyền, cần chú trọng giới thiệu để nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới, gắn với chuỗi đa giá trị, năng động, hiện đại, có năng lực quản trị, điều hành tốt, tham gia phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu phát thải nhà kính, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, phát triển cộng đồng…
Cũng theo công bố của Liên minh hợp tác xã Việt Nam, đến cuối tháng 6/2022, trên 83% số HTX được khảo sát cho rằng chuyển đổi số là cần thiết; gần 20% HTX đã có kế hoạch chuyển đổi số; 68% HTX sử dụng ít nhất một trong các phương thức giới thiệu và bán hàng trực tuyến. Thế nhưng quá trình chuyển đổi số của các HTX diễn ra chậm do đa số chưa có định hướng, kế hoạch; cơ sở hạ tầng thông tin của phần lớn HTX ở mức thấp; nhiều HTX chưa có trụ sở làm việc; cán bộ quản trị và nhân lực hiểu, thực hành kỹ năng số còn hạn chế…
Nguyên nhân của hạn chế này là do tỷ lệ lớn HTX có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, thiếu nhân lực chất lượng cao, thiếu vốn và cả các nguồn lực khác để nâng cao năng lực quản trị và thực hiện chuyển đổi số.
Vì thế, cần tăng cường công tác đào tạo cán bộ và phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS & MN. Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động./.
Phương Liên/ Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến bạn đọc